Thursday, May 20, 2010

Phóng sinh?

Sắp đến  Lễ Phật Đản, tôi nghe radio giới thiệu chương trình , hầu như chùa nào cũng có mục "Phóng sinh", nên hay chăng cho việc làm này...tùy theo sự nhận thức suy nghĩ và cách thực hiện của mỗi người, riêng tôi nhận thấy nó hoàn toàn vô nghĩa..thậm chí là tàn nhẫn nữa., phải nói là tôi rất ư là bức xúc về vấn đề này thì đúng hơn., nên đã tìm thử từ "phóng sinh" trên Google, và tìm được rất nhiều ý tưởng phù hợp với mình, hiểu rõ ràng hơn về quan niệm phóng sinh của nhà Phật từ bài viết sau, tôi xin trích đoạn:


CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH PHẬT GIÁO

DO BAN BIÊN TẬP THƯ VIỆN HOA SEN PHỤ TRÁCH

NỘI DUNG BÀI PHÁT THANH SỐ 36

 Phóng Sinh

Thưa quý thính giả,

Trong thời gian qua chúng tôi nhận được thư của một thính giả, nguyên văn bức thư như sau:

Thưa ban biên tập,

Vào các ngày lễ như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan và lễ Rằm Tháng Giêng, tôi thấy các chùa thường có lễ phóng sinh tiếp ngay sau phần nghi thức lễ chính. Vậy xin vui lòng cho tôi biết ý nghĩa của việc phóng sinh và có phải phóng sanh sẽ làm giảm bớt nghiệp bệnh của mình hay được phước thật hay không? Có người nói rằng mua chim phóng sanh không có phước mà lại vô tình sát hại chim và bị những người buôn bán chim cá lợi dụng bắt nhiều thêm để bán thủ lợi, xin quý vị cho biết ý kiến.

Vậy phóng sanh là gì?

Phóng sanh có nghĩa là giải thoát những sinh vật đang bị tù đày, giam hãm trong lồng chậu, nhà giam, đang bị tra tấn, đánh đập hoặc sắp bị giết, tức là hành động mang lại sự sống cho chúng sinh đang bị đe dọa đến tính mạng.
Bắt nguồn từ hai bộ kinh Phật giáo Bắc Tông là kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới và kinh Kim Quang Minh, tục lệ phóng sinh được phát triển mạnh ở Trung Hoa, truyền sang Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.
Trong kinh Phạm Võng, đức Phật dạy: “Người con Phật vì lòng từ bi mà làm việc phóng sanh và khuyên bảo người khác làm. Nếu thấy người đời sát sanh thì nên tìm cách cứu cho chúng được thoát khỏi nạn khổ.” Kinh Kim Quang Minh cũng kể lại những thí dụ về lòng từ bi cứu giúp chúng sinh khỏi chết.
Vào thời đại nhà Tùy bên Trung Hoa, đại sư Trí Khải ở núi Thiên Thai truyền giảng kinh Kim Quang Minh và kinh Pháp Hoa, phát động phong trào đào ao phóng sinh, tiết kiệm tiền để mua lương thực nuôi cá. Sự việc này mở đầu cho việc phóng sinh và đào ao phóng sanh ở Trung Hoa từ đó. Đến cuối đời nhà Minh có đại sư Liên Trì là một trong những cao tăng rất tích cực truyền bá việc phóng sinh. Ngài đã để lại các bài thuyết giảng về ăn chay, về giới sát, về phóng sinh, cũng như về nghi thức phóng sinh trong tập "Trúc Song Tùy Bút", khuyên mọi người không nên ăn thịt chúng sinh để khuyến khích tôn trọng giới sát và tích cực phóng sinh.
Tục phóng sinh được phát khởi từ tinh thần từ bi và bình đẳng giữa chúng sinh. Phóng sinh cũng như ăn chay, chính là một phần của việc giữ giới không sát sinh, một trong năm giới cấm mà người Phật tử khi quy y Tam Bảo thường phát lên lời nguyện giữ gìn, không vi phạm.
Gần năm chục năm giáo hóa chúng sinh, đức Phật để lại rất nhiều lời dạy trong kinh tạng, nhưng tóm lại đều cô đọng trong mấy câu sau đây:
-- Không làm điều ác
-- Siêng làm việc thiện
-- Thanh tịnh hóa tâm
Không sát hại sinh vật, dù gián tiếp như ăn thịt động vật, hoặc trực tiếp như cầm dao giết con vật, là làm việc thiện một cách thụ động, nằm trong lời dạy thứ nhất “Không làm điều ác”
Phóng sinh cứu mạng sống, là làm việc thiện tích cực, nằm trong lời dạy thứ hai “Siêng làm việc thiện”
Đối với những người tu tập trên con đường Bồ Tát đạo thì ngoài những giới luật gọi là “chỉ trì”, là những giới “cấm không được làm”, còn phải giữ những giới gọi là “tác trì”, nghĩa là những giới “phải làm”, thí dụ nếu thấy có sự lâm nguy, đau khổ tới cho chúng sinh mà người tu theo Bồ Tát đạo lại khoanh tay đứng nhìn, không giúp kẻ khốn cùng, thì tức là đã phạm vào giới “tác trì”, tức là giới “phải làm”. Như thế theo tinh thần này, người Phật tử không những không sát hại sinh vật mà còn phải cứu sinh vật đang bị đe dọa đến tính mạng, đang bị giam giữ tù đầy trong lồng chậu, cứu cho chúng khỏi chết, nghĩa là giải thoát chúng, trả tự do cho chúng về với bầu trời sông nước, về với gia đình tổ ấm của chúng. Chính vì vậy, theo truyền thống Phật giáo Bắc Tông, Giới Sát bao gồm cả việc phóng sinh.
Như vậy, phóng sinh là một việc làm rất tốt, rất đáng đươc ca ngợi. Tuy nhiên, nhà Phật có câu “tùy duyên, bất biến”. Bản chất của sự tu hành để tăng trưởng lòng từ bi là bất biến. Nhưng trong hành động thì cần tùy duyên, nghĩa là tùy trường hợp, tùy địa phương mà hành động, để vẫn có thể phù hợp với chân lý, đồng thời cũng hợp thời, hợp cảnh, kinh Phật gọi là khế lý và khế cơ.
Vào thời xa xưa, trong những dịp lễ có phóng sanh, các cụ mua cá cho bơi trong chậu nước hoặc mua cả dỏ cua đồng, loại cua nhỏ bằng ngón chân cái, đem lên chùa cúng rồi đem ra sông thả. Sau khi được thả, mấy con vật thường lặn ngay xuống nước.
Ngày nay thì khác. Chúng ta ở trong thành phố nên ít khi có được cá hoặc cua sống, cho nên chúng ta mua chim để thả. Những con chim bị bắt để bán cho người phóng sinh này thường phải chờ đợi một thời gian trước khi tới giờ phút được tháo cũi xổ lồng. Trong thời gian chờ đợi đó, chúng không được săn sóc chu đáo vì dường như không ai có bổn phận phải chăm lo cho mấy con chim trong lồng nằm chờ nơi góc sân kia được ăn uống no đủ.
Chúng tôi xin trình bày một trường hợp cụ thể về phóng sinh ngay tại một ngôi chùa ở quận Cam. Vì phải trải qua nhiều thời gian chờ đợi buổi lễ cầu an, cầu siêu nên chim đã chịu đói khát, lại phải chịu thân phận tù đày thêm cả buổi nữa ngay nơi chánh điện chùa. Cuối cùng, sau khi chấm dứt phần chót của lễ quy y cho chúng do vị ThượngToạ chủ lễ thì chim cũng được sổ lồng đấy, nhưng có một số đã quá yếu sức, lừ đừ, bay lên không nổi, chỉ là đà rồi rớt xuống, quờ quạng, tắt hơi.
Vậy thì chúng ta cần phải xét lại việc phóng sinh chim và thả cá. Chim bị bắt nhốt vào lồng, cá bị bắt thả trong chậu bán ngoài chợ là do người giăng lưới vây bắt vì nhu cầu tiêu thụ, để ăn hoặc để phóng sinh. Điều này có nghĩa là nếu không có nhu cầu mua chim cá thì chim cá sẽ không bị giăng lưới và nhốt vào lồng chậu. Qua sự kiện này chúng ta nhận thấy, vì muốn phóng sinh nhằm tạo phước mà người phóng sinh lại vô tình thúc đẩy những người khác giăng lưới bắt chim cá, đến nỗi tự họ lại mắc vào nghiệp sát sinh.
Ngoài ra, chim cá bán ngoài thị trường để cung ứng cho nhu cầu phóng sinh tại các đô thị thường là do người ta bắt ở các ao cá, vườn chim. Những sinh vật này có thể sẽ không thích ứng với hoàn cảnh mới. Hơn nữa, các giống chim, cá đều có thói quen của chúng. Có những loài cá phải sống trong những hoàn cảnh nhất định như chất nước, độ sâu, độ chảy. Cá sông không thể sống dưới biển và cá biển không thể sống dưới sông. Chỉ có những con chim bồ câu bị bắt để phóng sinh thì may ra ít khổ nhất, chúng chỉ bị tù túng mấy ngày, có thể là phải chịu đói khát, nhưng nếu sống sót cho đến lúc được phóng sinh mà còn đủ sức để bay thì cũng có nhiều cơ may có thể “trở về mái nhà xưa”, vì loài chim bồ câu vốn nhớ đường về, chúng sẽ có thể bay về với gia đình, sẽ được chủ nó cho ăn uống bồi bổ lại sau những ngày bị giam cầm tù tội và đói khát.
Trong tình hình như vậy, có nên phóng sinh hay không ? Chúng tôi nghĩ rằng điều này nên để quý vị tự định đoạt. Tuy nhiên, việc bắt, mua bán rồi thả, rồi bắt lại ..v..v..là không đúng với tinh thần phóng sinh. Phóng sinh chỉ có ý nghĩa khi chúng ta giải thoát được con vật trong hoàn cảnh ngẫu nhiên hay thả chúng sống trong một môi trường thích hợp, tạo cho chúng có cơ hội sống dài lâu hơn. Không nhất thiết phải mang chúng đến chùa mới phóng sinh được. Chỗ nào thích hợp thì thả chúng.
Thật ra việc phóng sinh ai cũng có thể làm, không nhất thiết phải có tiền (mua chim cá) mới thực hành được. Chỉ cần có tấm lòng từ bi thương xót chúng sinh, xem mọi loài chúng sinh đều bình đẳng, đều có quyền sống. Khi đi bộ trên đường thấy con giun đang giẫy giụa trước sức nóng mặt trời, chúng ta mang chúng vào nơi có đất ẩm, hay gặp con sên đang bò trên vỉa hè, chúng ta nhặt chúng đem vào bãi cỏ xanh mát. Hoặc là khi khởi tâm muốn phóng sinh, chúng ta rủ bạn bè, thân nhân, đi ăn một bữa cơm với rau đậu, như thế là chúng ta cũng đã có thể cứu dăm ba mạng tôm, cua, sò, cá, chim câu, vân vân, thế là cũng đã thực hiện hạnh phóng sinh rồi.
Theo quy luật nhân quả, mình có lòng muốn cho chúng sinh khỏi đau đớn, giải thoát chúng sinh, thì mình cũng sẽ được khỏi đau đớn, được giải thoát. Nhưng đó chỉ là kết quả tự nhiên của những hành động từ thiện, không phải mục tiêu của sự phóng sinh trong nhà Phật. Nhà Phật phóng sinh là vì lòng từ bi. Nói như thế không có nghĩa là hành động phóng sinh chỉ đem lại ít lợi ích. Thật ra việc phóng sinh đúng cách và với Tâm Vô Sở Cầu thì sẽ có kết quả vô cùng lớn lao, là vơi đi nghiệp sát đã vướng phải trong vô lượng kiếp.

Ban Biên Tập
(Bài này đã được phát thanh ngày 29 tháng 10 tại Nam California và 30 tháng 10, 2005 tại Houston Texas)

Và đây là bài trên Tuổi trẻ online, các bạn xem những hình ảnh rất ư là đau lòng,
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/355394/Phong-sinh-nhu-the-bang-muoi-sat-sinh.html

Mấy tuần trước có đợt mưa gió nhiều, ban đêm ra
 sau vườn,
 trời tối đen như mực, nghe tiếng chim kêu văng vẳng, khẩn thiết bi ai...tụi tui lấy đèn pin soi rọi 1 hồi, tìm được 1 con chim lông ướt nhẹp run lẩy bẩy nép mình trong bụi rậm, hình như nó bị thương, chạm tay vào nó vụt bay qua phía bên kia hàng rào, nhưng hình như yếu sức nó nằm lại phía bên ấy , vì sau đó vẫn còn nghe văng vẳng tiếng chim.

Hôm sau , anh B liền đi mua cây gỗ về để làm nhà cho chim, anh cặm cụi làm và sơn trong 3 ngày thì hoàn tất, Be, Bo thích lắm...Bo được voi đòi tiên, muốn ba làm cho Bo treehouse nữa chứ...hì..hì...đúng là ông thần con.

Bo muốn lên cho chim ăn nè....
Ba phải đở Bo leo lên thang, hông thì Bo đòi leo 1 mình đó ...gan động trời chưa???

11 comments:

HwangNguyen said...

Đúng là cái cách "phóng sinh" như hai bài của chị đăng thật đáng sợ và đáng lên án.
Em chẳng bao giờ "phóng sinh" kiểu này. Có chăng mua cá ở chợ về rồi mang phóng sinh thì có.

Anh nhà chị khéo tay ghê nhỉ!
Có lẽ phải làm cho Bo cái thang không có thì nguy hiểm, nếu Bo trèo một mình.

Sông said...

Con bạn em cũng hay có sở thích phóng sinh, năm nào tới ngày Táo quân cũng đi thả cá chép. Nó mua con cá chép trong hồ người ta bán, nó tới ngay cầu sg thả. Theo nó là 2 thằng nhỏ, con cá vừa được thả xuống thì 2 thằng nhỏ lao tới, chụp lại con cá, và ...đem đi bán cho người khác tiếp.Nó ngỡ ngàng: ơ, sao lại bắt lại, thì được trả lời tỉnh queo là: để cho ngời khác phóng sinh tiếp chứ sao. Cá toàn được bắt và thả kiểu này, nên lừ đừ, khi bỏ xuống nước đâu bơi nổi. Pó tay. Cũng ko trách gì tụi nhỏ đó, cũng là người lớn ra cả thôi.

Dã Quỳ said...

Hổng dám bàn về chuyện phóng sinh. Em chỉ chạy vô khen cái chuồng chim đẹp quá kìa. Anh B. khéo tay quá chị ha. Đúng là thợ chuyên nghiệp có khác mờ. Con chim sâu đó bây giờ còn ở trỏng hông chị? Bo gan quá chừng lun héng! hugs !!!

Em thấy gia đình chồng em và gia đình bên Ngoại cũng hổng có phóng sinh theo kiểu em vẫn thấy mọi người hay làm vào mỗi dịp lễ đâu. Mà đâu cần phải chờ dịp lễ mới "phóng sinh" được ha chị!

Tanya said...

khen cái chuồng chim đẹp, Anh B thiệt là handyman hé...nhìn tướng anh Bo hí hửng dể thương :))

Chôm Chôm said...

Chị Th, cái việc anh B làm đó còn ý nghĩa hơn phóng sinh nhiều!

BeBo said...

@ HNguyên: cao lắm nên không có đặt thang phía dưới cho Bo leo 1 mình được em ơi, có thích lắm thì Ba ẳm lên xem thôi, mẹ cũng không dám.

@ Sông, thì vậy đó ...chỉ tội cho mấy con cá thôi hà...

@ Dã Quỳ & Tanya & Chôm: anh B mà vào xem chắc mũi nở to bằng trái táo...he..he

Anonymous said...

Có một handyman như anh B ở nhà còn gì bằng :)

Unknown said...

Mới uống cafe với anh B. Vui quá trời luôn.
:-)

BeBo said...

@ Cô Hai: Ba của Be&Bo làm được nhiều việc nên chị yên tâm và đở lo lắm đó em.:)

@ Ủa Phú, mới sáng sớm anh B gọi về nói đi HN mà đã về lại SG rồi sao, thích hé mấy người gặp nhau hoài...tui ganh tỵ quá:)

Anonymous said...

Anh nhà khéo tay quá chị hén! Trước đây khéo rồi hay từ ngày đến bên chị thì bỗng dưng.....muốn khéo?

BeBo said...

AB biết làm lặt vặt từ năm 15 tuổi í em ơi...chứ hổng có bỗng dưng ....muốn khéo đâu...he...he.

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...