Sunday, August 7, 2011

Chùa Sen Vua - Phước Kiển Tự.

Chùa Sen lạ, chùa Sen Vua, là tên dân gian thường nói về một ngôi chùa ở huyện Châu Thành Đồng Tháp, có giống sen lá to như nong phơi lúa, người nặng dưới 60kg có thể đứng lên dễ dàng. Một vài tin trên internet cũng mô tả đại khái thế, tuy nhiên chi tiết về sự tích ngôi chùa, nguồn gốc giống sen thì ít thấy nói rõ. Tò mò muốn nghe tận tai thấy tận mắt, nên tôi đã đi tìm chùa Sen.
Hôm về Gò Tháp, định qua Sa Đéc thăm chùa Sen, nhưng trời nắng quá, đường đi không nắm vững, nên phải quay về Sài Gòn. Từ Sài Gòn, đường đi đơn giản, dễ hơn: Qua cầu Mỹ Thuận rẽ phải theo QL 80, tức đường về Sa Đéc, con đường tôi đã quen từ mấy năm trước trong chuyến đi Lấp Vò tìm chợ chiếu Định Yên (1). Lần này gặp ngày xui, đi mới nửa đường trời đã đổ mưa. Tháng 7, trời thường mưa về chiều, hôm nay lại mưa sớm. Tôi và người bạn vào quán trú tạm, đồng thời kiếm gì ăn sáng. Hương bảo: “Quán này ăn được” - “Em đã ăn rồi à?” - “Không, đi đường hễ thấy quán nào có xe vận tải ghé vào, chắc chắn quán ăn ngon”. Đúng thế, mấy chiếc xe vận tải đang đậu bên đường, quán không sang mà tươm tất. Dọc đường về miền Tây, quán ăn có nhiều món, nhưng lần nào tôi cũng chỉ dám ăn cháo cá. Các món đặc sản khác tuy khoái khẩu, nhưng rất dễ bị ngộ độc. Khi một món ăn biến chế phức tạp qua tay nhiều người, nhiều gia vị, nhiều rau ráng, tất nhiên sự an toàn càng không bảo đảm. Cá lóc 100.000 đồng 1kg. Một con vừa cho hai người ăn. Một nồi cháo nấu chín, không còn gì phải e dè. Rau đắng tránh luôn càng tốt.

Sản phẩm lục bình.

Trong khi chờ quán nấu cháo, nhìn ra bầu trời mưa sầm sập, tôi có cảm giác vạn vật đang được tắm gội, nhất là “vạn vật” ở xứ mình đang ô nhiễm nặng. Mưa giúp hạ thấp chỉ số bụi bặm, bầu không khí dễ thở hơn, tuy nhiên mưa to là nỗi khổ cho dân ở thị thành. Hà Nội, Sài Gòn, cơn mưa kéo dài chừng hơn tiếng đồng hồ, là phố xá biến thành sông, thuyền nan qua lại. Có người vui, nhưng không ít người buồn, rước dâu trong tình cảnh này thì làm sao vui; cô dâu phải có người cõng, hai họ bì bõm ướt hết áo quần. Nhiều người cho rằng vì năm nào cũng “cải tiến, nâng cấp” mới nên nỗi!
Lẩu cháo bê lên, cháo cá lóc rau đắng, rau đắng không quen rất khó ăn. Cá chỉ có khúc đầu và khúc đuôi, chưa tới nửa cân. Không hiểu sao người mình, bất kể Bắc-Trung-Nam, buôn bán vẫn cái kiểu không ngay thẳng. Tôi thường bị lừa, nhất là lúc mua trái cây, nhờ họ lựa, về nhà lúc bổ ra mới biết hư một nửa. (2)


Đường về chùa Sen.


Xong bữa trời vẫn chưa tạnh,
trùm áo mưa chạy được một đoạn, tôi thấy lạnh cả tay chân, áo quần ướt sũng. Đường còn những 50km, tôi nghĩ, tìm được chùa trong tình trạng ướt át như vầy thì còn làm ăn gì, đành quay về. Vất vả qua những đoạn đường cày xới sình lầy, về đến nhà vừa đúng 6 giờ chiều.
Một ngày mưa gió chỉ ăn được bát cháo. Mừng một điều không ai nhức đầu sổ mũi. Cách 2 hôm sau, trời trong sáng hơn, tôi đi tiếp. Trong thành phố, giao bạn cầm lái, ra ngoại ô tôi chạy, nay đi sớm nên về đến cầu Mỹ Thuận mới 10 giờ. Từ đây về thị trấn Nha Mân còn 15 cây số, đường QL 80 cày xới từ mấy năm trước, nay đã tráng nhựa, nhưng vẫn còn nhiều đoạn ngổn ngang đá sỏi, nhiều chiếc cầu vẫn chưa làm xong.
Cầu đường Việt Nam cũng khác với thế giới, hai múi cầu không bao giờ thoải êm (smooth) mà cứ như nóc nhà, xe vụt qua là bị hất tung lên, làm ê cả xương sống. Lại còn những “con lươn” nhỏ vắt ngang đường, ý chừng bảo xe chậm lại. 
Thực tế hoàn toàn vô tích sự, vì đường trường chậm làm gì? Còn trong phố thì vận tốc nào cho phép chạy nhanh? Chỉ tổ làm hỏng xe, và ê mông người ngồi. Khốn nỗi, đó là niềm tự hào đầy trí tuệ của “cơ quan chức năng”! Chỉ có nền văn minh Việt Nam mới có nhiều sáng tạo như thế. Dọc đường còn có những bảng báo: “Đoạn đường chờ lún”, không biết nên hiểu thế nào (3). Không khéo một lúc nào đó sẽ có bảng “Cầu chờ sập” cũng nên!

Về đến chợ Nha Mân, có ngã ba rẽ trái, tỉnh lộ 854 về Hòa Tân. Suốt đoạn đường 10km, không hề có một dấu hiệu gì về ngôi chùa Sen. Đường chỉ vừa chiếc xe du lịch, lại nhiều cầu mà toàn toàn cầu ván cọc cạch long đinh, có chỗ xe gắn máy chạy qua, bẩy đứng cả ván cầu. Ngày nay thôn quê hầu hết đã làm cầu đúc, nhất là đường xe thường qua lại, không hiểu sao tỉnh lộ 854 lại thảm hại như vầy. Khách phương xa không khỏi ngạc nhiên.

Cư dân vùng này có nghề thủ công đặc biệt “đan giỏ lục bình”. Xưa nay tôi tưởng lục bình chỉ để ủ phân xanh, ở đây phơi khô làm sợi đan những chiếc đệm ngồi, giỏ xách... đây là điều mới mẻ đối với nhiều người như tôi. Người mình thứ gì cũng “chế biến” thành đồ dùng hay thức ăn một cách tài tình. Hai bên bờ sông, nhà nào cũng cắm sào căng giây quây lục bình lại thành đám, cây mẹ đẻ cây con, cứ thế ngày này qua tháng nọ.
Chừng 20 phút, chúng tôi đã về đến chợ Hòa Tân, hỏi chùa Sen, một bà cụ bảo lui lại có cầu qua bên kia sông, rồi đi ngược lên chừng cây số. Cầu kinh đã hẹp lại không tay vịn, đêm hôm đi lại thật không an toàn tí nào. Lối mòn về chùa Sen chẳng khác gì bờ ruộng, cây cỏ hai bên đường buồn rầu hiu quạnh, chẳng có dấu hiệu gì dẫn đến một di tích, danh lam.


Chùa Phước Kiểng.

Đến khu vườn cuối xóm, mới thấy cái cổng chùa đơn giản khiêm nhường như cổng nhà. Cổng dựng từ năm 1962: Phước Kiển Tự, hai cột cổng có hai câu chữ Hán, mỗi câu 7 chữ. Con đường từ cổng vào chùa sâu hun hút, lát 6 hàng đanh xi măng, rộng khoảng 3m. Hai bên dừa chuối xanh um, bóng đổ mát rượi. Không có tiếng chuông mõ, không một bóng người, hoang vắng lạ lùng. Giữa trưa cảnh càng thêm tĩnh mịch.

Mô hình Phước Kiển Tự có nhiều điểm khác với các chùa khác. Trước khi vào chánh điện, có 3 am nhỏ sát mặt đất như một kiểu bình phong (4). Trên mái am có 2 tượng sư tử đất nung. Sau lưng “bình phong” là hồ sen, loài sen lạ như lời đồn. Lá sen lớn gần 2m. Lá sen không trồi lên khỏi mặt nước như thường thấy; trái lại, lưng lá phẳng, nằm sát mặt hồ, mép lá vuông góc cao chừng vài phân như chiếc nón vành rộng khổ (5). Có người cho đây là loại “súng khổng lồ”, do chỗ lá trải lên mặt nước giống lá súng. Cấu tạo của lá cũng đặc biệt, mặt lá xanh, hình “vảy rồng” như ngói âm dương xếp lên nhau, mặt dưới màu nâu đỏ, rất nhiều gân to có gai nhọn. Gân lá là bộ “khung” khá vững chắc, chịu đựng được một trọng lượng vài chục ki lô rải đều mặt lá (6). Kế hồ sen là Quán Âm Phật Đài, rồi đến chánh điện. Hai cửa vào điện Phật đều đóng kín. Tôi đi vòng ra sau, gặp một người giúp việc chùa, hỏi thăm thầy Trụ Trì, vừa lúc có vị sư bước ra. Tôi chào:
- A Di Đà Phật, lâu nay nghe tiếng chùa có nhiều điều lạ, hôm nay xin phép Thầy được viếng thăm.
- Mô Phật, cửa chùa lúc nào cũng mở, khách thập phương có lòng xin cứ tự nhiên.
- Dạ cảm ơn Thầy, trước hết xin Thầy cho vào đảnh lễ Phật, sau sẽ lần lượt đi xem những đặc điểm của chùa.

Chúng tôi được hướng dẫn theo cửa hông vào chánh điện. Bệ thờ không lớn, nhưng cũng thờ đủ Tam Thế Phật: Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc. Ngoài ra, cũng còn nhiều tượng Bồ Tát và Long Thần Hộ Pháp. Thầy Trụ trì thỉnh chuông, chúng tôi đảnh lễ, cúng Phật xong, chúng tôi theo nhà sư ra phòng khách phía sau. Gọi là phòng khách, chứ nơi đây không gian còn lại của chánh điện, trống trải bốn bề, bàn ghế cái nọ cái kia. Thầy trụ trì cũng vui vẻ thú thiệt: “Chùa nhà quê nghèo, thiếu thốn, không thứ gì ra thứ gì. Quí vị ngồi tạm”...


Cổng chùa Phước Kiểng

Phòng tiếp khách của chùa trống 4 mặt, trời không gió nên hơi nóng mái tôn hắt xuống rát cả mặt.[/b] Dường như nhà sư cũng thấy vậy nên đề nghị chúng tôi ra vườn.
- Trong này nóng lắm, mình ra vườn ngồi cho mát.
Vườn sau, ngay bên hồ sen, có bức phản gạch men kê dưới gốc xoài râm mát. Tôi lấy bút giấy và ghi những điều thầy Trụ Trì nói về ngôi chùa: “Chùa Phước Kiển có từ năm 1847, trước thời Thiệu Trị. Do chùa nhỏ lẻ loi, nên sổ sách không còn gì, tui chỉ biết thầy tui là Tổ thứ 3 tức ngài Đoàn Phước Quang, hiệu là Hồng Hào Phước Quang. Đến tui, đời thứ tư là Thích Huệ Từ”.
- Thưa thầy qua bao nhiêu năm chiến tranh, chắc chùa phải nhiều phen bị hư hại?
- Tui vào chùa hồi mới 8 tuổi, nay đã 72, hơn sáu mươi năm, biết bao nhiêu thăng trầm. Khi Thầy tui viên tịch, một mình tui sống chết với chùa. Giai đoạn cực khổ nhất là những năm có chiến tranh, mấy ông VC dùng chùa làm căn cứ, nên chùa bị bom liên miên; nhờ Phật độ mà tui còn sống đến ngày nay.
- Chùa bị bom thì chắc không còn gì, rồi thầy sống cách nào?
- Quí vị thấy đó, mấy chục cái hố bom chung quanh chùa, chùa bị bom hư nát, cột kèo cây gỗ mấy ông VC mượn làm công sự, xây hầm; họ nói cho họ mượn hòa bình trả lại bằng tiền. Sống ở đây chỉ mình tui với ông Rùa. Có lần lính quốc gia tính đem tui ra bắn, may nhờ có ông Rùa cứu.

Kỷ vật ở chùa.

Nghe chuyện hơi lạ, tôi hỏi: 

- Ông Rùa cứu thầy nghĩa là sao, xin thầy nói rõ.
- Số là hồi 66-67, mấy ông VC về gài lựu đạn chung quanh chùa; sáng hôm sau lính quốc gia đi ruồng, lựu đạn nổ chết, họ thấy có đèn cầy, nên nghi cho tui. Chỉ có chùa mới có đèn cầy. Họ lôi tui ra đòi bắn, may có ông ở xóm chùa biết rõ đứng ra xin.
Ông này nói: “Ông thầy tu từ hồi 8 tuổi mấy chục năm nay, chỉ có thầy và cụ Rùa ở chùa. Cụ Rùa này cũng ăn chay trường và linh lắm. Mấy ông không tin đem Rùa ra bỏ ngoài ruộng, Rùa sẽ bò về; nếu không mấy ông cứ bắn Thầy. Lính đem Rùa bỏ ngoài đồng, Rùa về lại chùa; họ bắt lần nữa đem tuốt ra sông thả, Rùa cũng về chùa, nhờ vậy họ tha chết cho tui.
- Thưa thầy, cụ Rùa chắc tuổi khá cao? 
- Tui vô chùa được 2 năm, tức năm tui 10 tuổi thì có người cho chùa con Rùa. Ở chùa, Rùa ăn chay như mọi người. Mỗi khi nghe tiếng tụng kinh, Rùa nằm chấp hai tay.
Những năm giặc giã, Rùa bị một người bắt mang về giùi lỗ mai Rùa, xích lại nuôi. Nhưng mỗi ngày Rùa cố giựt một tí cho đến lúc mai Rùa bị sứt, Rùa về lại chùa. Ở chùa còn con Hạc cũng lạ. Năm tui 61 tuổi, có người đem bán con Hạc, tui mua 3 triệu. Con hạc đã lớn, sải cánh rộng 2 mét; Hạc loanh quanh ở chùa và thường đứng lên lưng Rùa, đùa giỡn với nhau. Mỗi khi tui tụng kinh, Hạc Rùa đều ở bên cạnh chăm chú nghe. Nhưng Hạc không chịu ăn chay như Rùa. Mỗi ngày Hạc ăn 1kg cá sống, cá chết không ăn. Liệng cá ra, Hạc đớp không trật một con. Nuôi được 20 ngày, tui thấy vô tình mà mình phạm giới sát sanh, nên hôm đó tui đeo vào cổ hạc xâu chuỗi, rồi nói với nó: Con ở chùa mà không ăn chay, lại ăn toàn cá sống, thầy mua cá cho con, vậy là thầy cũng phạm giới sát sanh. Thôi đi đâu đi đi. Hạc liền bay thẳng, không biết đi đâu. Khi Hạc đi rồi, ông Rùa buồn, biếng ăn và 3 năm sau thì chết, ngày 29 tháng 7 – 2002 (âm lịch).

Thưa thầy tính ra cụ Rùa sống ở chùa cũng đến 62 năm. Lúc chết Rùa nằm hay đứng như trong lồng kính?
- Thường khi tui tụng kinh thì Rùa nằm chấp tay, bữa đó Rùa đứng và đứng hoài. Người ta nói “Chết đứng hơn sống quì”.
- Thưa thầy cụ Rùa chắc không nặng lắm?
- Rùa, Hạc đều nặng 12 kí lô. Hạc cũng có đặc điểm là nói biết nghe. Biểu bay xuống lá sen chụp hình, Hạc xuống; biểu xòe cánh hả mỏ, Hạc làm theo. 

Hỏi đến giống sen lạ ở chùa, thầy Thích Huệ Từ cho biết, những hố bom quanh chùa, thầy lấp bằng, chừa vài hố sửa lại ngay ngắn rồi trồng sen, súng bình thường. Đến năm 1992, thì xuất hiện giống sen lạ, không rõ nguyên do. Khi có giống sen lạ, thầy dẹp bỏ các loại sen súng kia đi. Sen này cũng ra bông vào mùa hè, nhưng bông đổi màu từ trắng qua hồng, tím, tím than, rồi tàn, và nở 3 ngày.
- Thầy có thể nói rõ chỗ hoa đổi màu bằng cách nào? 
Sáng sớm màu trắng, trưa chuyển qua hồng rồi khép lại. Chiều ba giờ bông nở màu tím; chiều tối khép lại sáng bữa sau nở tiếp. Chiều ngày thứ 3, bông màu tím than và bắt đầu tàn. Năm 95, có phái đoàn khoa học Cần Thơ đến chùa nghiên cứu lấy hột về gây giống, nhưng không thành công. Họ trở lại lần nữa, lấy luôn cả đất nước ở hồ mang về thử, cũng thất bại. Ý phái đoàn muốn tạo giống để trồng ở những nơi có di tích tượng đài cách mạng. Từ chỗ không gây được giống, nên nhiều người cho chùa mê tín dị đoan (?). Hoặc trong hố bom có nhiễm thứ gì. Chẳng lẽ chất độc da cam? (cười).

Tác giả trò chuyện với thầy Huệ Từ

Còn chuyện ngày trước người ta mượn cây gỗ của chùa, thầy có đòi được không? 
- Có, năm 1993 tui đưa đơn đòi mà được gì đâu?
- Họ chối hay sao thầy?
- Tui làm đơn ra xã, xã nói cho ai mượn thì làm chứng ký vô đơn. Tui về kêu đám du kích hồi đó còn mười mấy đứa ký. Xã xác nhận biểu tui lên tỉnh mà đòi; lên tỉnh mất 100 ngàn xe ôm chầu chực mãi mới được xác nhận, rồi họ biểu mang đơn ra Hà Nội, tới văn phòng Thủ Tướng mà đòi. Tui mất 4 ngày ra đến Hà Nội, mình là Hai Lúa biết đường nào tới văn phòng Thủ Tướng, phải tốn tiền thuê xe ôm chạy đủ chỗ. Tìm được văn phòng Thủ Tướng, tui sợ muốn chết; bị trong lúc chờ nộp đơn xin số, tui nghe ổng nạt nộ bà nào cũng đi kiện cáo gì đó, ổng vò đơn vứt vào thùng rác, biểu làm lại. Bà này chắc có học, nên chỉ mười phút đã viết xong, nhưng đơn cũng lại bị liệng đi. Ổng la: “Tôi làm việc với nhiều người, chứ đâu phải mình bà, về địa phương làm lại”.
- Ông ấy là Thủ Tướng nào thầy?
- Ông Nguyễn Văn Cố đại diện chính phủ, còn bà mập, cổ có nọng ngồi nhận đơn là bà Trương Mỹ Hoa.
- Đến lượt thầy, đơn được giải quyết hay cũng bị nạt?
- Thấy coi bộ khó khăn, tui vội đắp y nghiêm chỉnh như ông thầy tu chính hiệu. Thấy tui vô, thì ổng cười hỏi: ‘Ông thầy có việc gì?’.
Tui đưa đơn, ổng coi xong, phê mấy chữ, ‘Về địa phương giải quyết’. Tui chán nản quay về nộp đơn cho tỉnh. Tỉnh bảo chờ chuyển xuống ‘Ban thanh tra’. 5 năm đơn mới xuống tới ban thanh tra. Tui nói: ‘Đây ra Hà Nội tui đi 4 ngày, đơn chuyển từ văn phòng tỉnh xuống thanh tra tỉnh chỉ mấy chục mét mà 5 năm?’. Họ làm thinh và cho chìm luôn.
- Đến bây giờ thầy cũng chẳng được gì?
- Được cái không chớ được gì! Vậy mà còn bị mấy ông trong giáo hội mắng mỏ nữa!
- Giáo hội nào mắng thầy?
- Mấy ông Phật giáo xuống đây kêu tui vô giáo hội. Tui thưa là hồi giờ mấy chục năm tui ở cái chỗ quê mùa này, tui không học hành, chữ nghĩa không có, bây giờ vô hội chỉ để mấy ổng sai vặt chớ biết ăn nói gì. Mỗi lần đi họp mất 200 ngàn tiền xe ôm, tui nghèo làm gì có tiền, thôi cho tôi ở yên chỗ này. Mấy ổng thuyết phục không được, nên nổi sân mắng tui: “Thôi, chả nói nói dzậy để cho chả chết...”.
- Thưa thầy trước sân chùa có 3 bát nhang thờ, ý nghĩa thế nào? Lại còn 2 sư tử bên trên.
- Từ ngoài nhìn vào, bên phải thờ Thượng Đồng Cố Hỉ, giữa thờ Thần Nông, trái thờ Vạn Ban Ngũ Hành. Hai sư tử để trang trí đồng thời cũng là lời cảnh giác bá tánh tránh dữ làm lành.

- Dạ còn tên chùa: “Phước Kiển Tự”, Kiển nghĩa là gì? 
- Kiển là cảnh, miền Nam do kiêng tên của Khai Quốc Công Thần Nguyễn Hữu Cảnh, nên đổi thành Kiển.
Nghe thầy Huệ Từ giải thích, tôi hiểu ngay, và nhà chùa đã không để ý chữ “kiển” viết sai. Phải viết Kiểng mới đúng, biết thế nhưng tôi không nói ra. Bao nhiêu tài liệu viết về chùa này, xưa nay không ai để ý tên chùa. Nhận thấy chùa có nhiều sự tích, nhiều điều lạ, khách thập phương rất nên đến chiêm ngưỡng tìm hiểu, nhưng đường đi khó tìm. Tôi góp ý với thầy Trụ Trì:
- Thưa thầy, sao thầy không xin chính quyền địa phương cho một hai bảng báo, hoặc chỉ dẫn đường đến chùa để du khách dễ tìm? Tôi thấy từ chợ Nha Mân vào đây 10km, mà chẳng có một dấu hiệu gì về ngôi chùa của thầy?
- Cũng đã có nhiều người góp ý như quí vị, tui cũng đã nhiều lần xin xã cho cắm cái bảng, nhưng khó khăn lắm, biết sao. Chùa thì nghèo, tui chỉ nuôi heo đất bằng số tiền bán sen, bán nhãn, bao nhiêu năm mới có chút ít sửa chùa.

Đường đến chùa Sen

Chợt nhìn ra hồ sen, Thầy Huệ Từ nói: 
- Quí vị có thấy lá sen bị hư nát không? Ốc bưu vàng ngoài ruộng vô phá đó. Bị dzì hố bom có những lỗ mội, lúc nước lên, ốc bưu vàng ngoài ruộng bò vô. Cái hồ trước nhờ cẩn xi măng chung quanh, nên tránh được nạn ốc ăn phá lá sen. Hồ sau không có tiền đành chịu. Tui có kêu thợ dự trù xem bao nhiêu, họ nói 200 triệu đồng (1.000 Mỹ kim). Nuôi heo đất không biết chừng nào mới đủ đây.

- Thưa thầy lá sen thấy không cứng cáp, gì mà người đứng lên không chìm? 
- Người dưới 60 kg thì được, nhưng không phải đứng thẳng lên lá, mà đứng trên một mặt bàn nhôm nhẹ.
Thầy Huệ Từ đứng dậy đi lấy ra một cái mặt bàn nhôm tròn, một cây sào và một thanh ván. Thầy dùng sào kéo một lá sen vào sát bờ, thả mặt bàn xuống giữa lá, gác thanh ván từ bờ qua tâm lá sen. Thầy ra dấu cho người bạn bước xuống, lúc cả hai chân đứng ngay giữa mặt bàn, thầy kéo thanh ván lên. Thầy hối: “Chụp hình đi”. Hôm đó do lá sen bị nứt một đường nước vào, nên đứng không được lâu, nhưng rõ ràng lá sen chịu đựng được.
Thấy đã quá giờ ngọ, tôi cảm ơn nhà chùa và cáo từ. Một ngôi chùa có một lịch sử cổ kính, có nhiều chuyện lạ và đậm nét tâm linh, lại không ai ngó tới. Trong khi đi tìm những “hang Tiên, núi Rồng”, thực chất chả có gì. Nếu được nhà nước “quan tâm”, được các công ty du lịch đầu tư (chứ không chèn ép, bắt chẹt), thì chùa Phước Kiểng sẽ xứng đáng là một nơi cho du khách đến viếng, bá tánh đến lễ và địa phương Hòa Tân sẽ có một dấu son trên bản đồ Việt Nam. Tiếc thay!


Trần Công Nhung
07 – 2010


http://bacbaphi.com.vn/entertainment/showthread.php?318583-%C4%90%E1%BB%93ng-Th%C3%A1p-C%C3%B3-lo%C3%A0i-sen-k%E1%BB%B3-l%E1%BA%A1-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-c%C3%B3-th%E1%BB%83-%C4%91%E1%BB%A9ng-tr%C3%AAn-l%C3%A1-sen

10 comments:

Mai/Diệu Sương said...

Cám ơn Th. chia sẻ bài này, mai mốt về VN phải kiếm chùa này mới được. DS sẽ đứng lên lá sen chụp hình. Ở Đồng Tháp thì cách Mỹ Tho đâu có xa. Mấy cái giỏ lục bình đẹp quá!

BeBo said...

Lần tới về tụi em cũng sẽ tìm thăm ngôi chùa nhỏ này, đọc thấy sư trụ trì dễ thương quá.

Anonymous said...

@Mai/Dieu Suong.
@BeBo.
Mô phật.
Khi nào về Việt Nam chân thành kính mời hai thí chủ quá bộ ghé thăm chùa và dùng cơm chay cùng bần tăng HwangNguyen này nhé, chỉ cần hai thí chủ không chê chùa nghèo là bần tăng vui cái bụng nhiều nhiều. Về sớm sớm nha, he he
A di đà phật.

@A Bình: Em mới học được một chiêu chế biến cà phê cực ngon, mời anh mau về VN thưởng thức nhé.

Đỗ said...

Đọc bài, thắc mắc bạn về VN hồi nào, rồi còn cầm lái nữa, giữa chừng mới thấy hình tác giả, hì hì...
Loài sen này, Nhật hay Nam Mỹ gì đó, ở SG cũng đã có.

Đỗ said...

Mới coi "Nơi bình yên chim hót". Tay mơ nhưng hình ảnh đẹp và phải mất công lắm mới có được. Bữa qua thêm lời chú thích ảnh, bữa nay coi thấy giống kiểu bạn. Tình cờ mà nhứt định không phải là học lóm nhe, he he... Cám ơn bạn.

BeBo said...

Hoàng, hãy đợi đấy, tụi chị về là em phải thân chinh đưa đi chùa Phước Kiển đó nghe.
Để chị nói anh B vào đọc còm của em, gì chứ cà phê là trúng gu của ảnh, thanks Hoàng.

BeBo said...

Tui thấy giống súng hơn hé anh Đỗ vì lá nó nằm sát mặt nước.
Nên nhân giống ra nhiều, loại sen quý như vậy mà không giữ được thì tiếc lắm.
Loạt ảnh đó tui chụp 3, 4 ngày gì á anh, canh tụi nó dữ lắm luôn, ở nhà xong rồi chạy ra bãi đậu xe của Walmart nữa, đi tới đâu tui cũng mê chụp, đến nổi thằng Be nó còn nhắc tui vì nó biết mẹ nó thích. Ham có cái máy sịn hơn, để chụp hình cho rõ nét, nhưng chắc phải chờ....

Thanh Nguyễn said...

Em thích chùa này cứ như vậy. Nổi tiếng quá, khách thập phương đến đông phá nát cái cảnh quang yên bình, nhỏ nhắn của chùa.

BeBo said...

Chị cũng thích vậy, "cứ ăn mặc thế" cho còn nét "chân quê" hé Xép, hi...hi.

Anonymous said...

Actually no matter if someone doesn't be aware of then its up to other visitors that they will assist, so here it takes place.

Here is my webpage :: cellulite treatment cream

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...