Sunday, February 28, 2010

Những đứa trẻ ngày xưa (2)

  Những đứa trẻ ngày xưa (1)

 Được 6 tháng, anh T (PGĐ) vì kinh tế gia đình 1 vợ, 2 con nên không còn trụ trì được nữa, sở LĐ cử ai cũng không dám xuống. Anh HB và mấy người trong làng ...hay là NT làm thay đi nha?
        Không biết tiếng lành đồn xa hay sao mà bửa nọ có chiếc xe đò Sài gòn về ngang tắp lại thảy 1 bao bố xuống, anh lơ ngoắc anh bảo vệ ra rồi chạy mất. Khiêng vô, mở ra xem đầy gạo và 1 mảnh giấy nhỏ : Tặng Làng trẻ MC-KG - từ Chùa Lộc Uyển, Q.6 -TPHCM. Kể từ ấy tháng nào làng mình cũng đều đặn nhận của chùa 1 bao gạo, mình gửi thư cám ơn và lịch để tặng chùa (lịch này của thằng em rể kéo lụa mướn lịch cho người ta, mình nói với nó có dư cho mình rồi kéo thêm hàng chữ LTMC-KG để tặng cho nhà hảo tâm).
      Có dịp đi TP, anh HB tìm đến thăm chùa...anh tìm thật lâu mới gặp...đi ngoằn nghèo vào sâu trong hẽm ngôi chùa nhỏ nghèo nàn, chỉ có 1 sư cụ và vài chú tiểu ...ông không nhớ rõ là ai đó đã nhắc với ông về "tổ ấm" của tụi mình...ông nghĩ "thôi thì cục muối cắn đôi vậy"...ai cho gạo chùa của ông ăn bao nhiêu còn bấy nhiêu ông gửi cho mấy đứa nhỏ , nghe anh HB đi về kể lại ...thấy mình tầm thường và nhỏ bé làm sao...cuộc sống này còn đẹp biết bao vì còn có đâu đó những tấm lòng vàng thầm lặng bao dung.
       Hình như điều gì đó thôi thúc, cảm nhận được hướng đi trước mắt, mình và anh HB mạnh dạn dấn thân, không ngần ngại nhận trẻ sơ sinh và cả làng đồng ý với nhau rằng khi làm khai sinh cho bé, con của mẹ nào thì mẹ đó có quyền đặt tên, nếu là con gái thì mang họ của "xếp gái", con trai thì mang họ của "xếp trai"...mọi người chọc anh HB và mình là "xếp trai" và "xếp gái", còn mấy đứa nhỏ thì gọi cậu B, dì Thảo lớn, (có dì Thảo nhỏ làm thủ quỹ). Từ ngày có thêm mấy baby, mình nhận thêm mấy dì vô để giúp mẹ., trước đó còn có dì y tá nữa chứ.
        Ngôi làng nhỏ này như 1 xã hội  thu gọn, có chương trình phát thanh, sáng sớm đúng 5 giờ, cả Làng dậy tập thể dục, và 1 ngày mới bắt đầu; đứa lớn giúp mẹ làm đồ ăn sáng rồi cắp sách đến trường, mẹ & dì làm vệ sinh cho bé nhỏ xong dì ở nhà cho bú, mẹ đi chợ...
        Có thằng em, hôm đó đến nhà chơi, nghe kể chuyện Làng trẻ, thích quá đầu quân luôn mặc dù em vừa tốt nghiệp ĐHNgoại ngữ, tương lai còn dài., em này giúp chị phụ trách xã hội sinh hoạt và dạy mấy trẻ học, nhìn em dạy tụi nhỏ 1 ý tưởng lóe lên : sao mình không kết hợp mở lớp dạy  Tiếng Anh cho  xã nhỉ, mặc dù vốn Anh ngữ của mình chỉ bằng lá mít, giờ nghĩ lại sao lúc ấy mình gan quá. Xã nghèo, học phí tượng trưng, học sinh đăng ký khá đông...mình và Ng dạy theo cuốn English 900, muốn tạo phong trào cho tụi nhỏ trong Làng học theo.
       Em xe ôm ...nói vui chứ em chạy việc hành chánh rất nhanh nhẹn, tháo vát và 1 em nữa; cậu Quãng và cậu Quang có nghề khắc gỗ làm những bức tranh rất đẹp...mua dụng cụ về dạy cho mấy em trai nghề này, còn Thảo nhỏ thủ quỹ có nghề may mở lớp dạy may cho xã luôn tiện dạy cho mấy em nữ lớn trong Làng - (xin được 1 số máy may cũ của trường dạy nghề). Phải nói lớp dạy may này làm ăn khấm khá lắm nha, gây quỹ cũng bộn đó.
        Tết đến, cả bọn còn kéo nhau đi múa lân khắp xóm để kiếm tiền tiêu Tết nữa chứ....thấy tụi nhỏ biết cách rút ruột người ta hông...hì...hì.

Hai "xếp" đi mua thỏ về nuôi.


     Như đã hứa ba mẹ nuôi của Ngọt giới thiệu về Làng 2 cặp vợ chồng khác để nhận anh em của Ngọt.


        Trẻ ngày càng nhiều...bụng làm dạ chịu...phải nghĩ cách để mà cưu mang chúng chứ...tình cờ quen được 1 chị, nghe chị kể có 1 thời chị cùng ai đó làm bầu sô cho mấy đoàn hát...cái khó ló cái khôn, giờ nhớ lại sao lúc đó mình thông minh đột xuất vậy chứ??! Hay là mời đoàn hát về để gây quỹ?
       Nhờ chị Th giúp, chị gật đầu liền...chị chịu trách nhiệm liên lạc ca sĩ mình thì thỏa thuận giá cả, thời đó Ngọc Ánh mới nổi, bạn ấy trạc tuổi mình...đang hăng độ lắm, cho biết lý do tụi mình mời, NA ô kê liền, kể ra mình cũng uy tín ác lắm chứ mời được anh Bảo Quốc luôn...có được 2 diễn viện gạo cội chương trình rồi mình mời mấy người khác ngon ơi. Yên tâm in cho mày cả đống vé, 1 mặt đi bán vé mặt khác tập mấy bài hát múa cho tụi nhỏ, để chúng biễu diễn xen kẻ vào chương trình nhằm khuấy động để làm mềm đi những cõi lòng gỗ đá.
        Tỉnh nhỏ xa xôi lâu lâu có đoàn hát từ TP về có cả danh hài Bảo Quốc và ca sĩ cực hot Ngọc Ánh , mùa mưa mà vé bán được khá lắm ..Tối diễn, áo dài lướt thướt mình "e ấp", giới thiệu chương trình : "Sống trên đời sống cần có 1 tấm lòng...rộng mở để nhận lời ca tiếng hát của các em thay cho lời cám ơn chân thành nhứt"...Hát được 2 bài rồi mà anh BQ còn chưa xuất hiện, ổng hổng chịu đi chung với đoàn mà lái xe một mình, trời ạ làm mình đứng tim luôn; sợ bị cho là lừa gạt....kiểu này thì mẹ con húp cháo...mưa gió , đường ổ gà, anh ấy không dám chạy nhanh... hú vía giờ chót ổng xuất hiện cười hì hì...
       Sáng hôm sau mình và anh HB còn cho Đoàn Thanh niên mời Bảo Quốc để "talk show" nữa chứ, quên kể trước đó anh H B làm bí thư Tỉnh Đoàn nên đám TN còn ngưỡng mộ lắm hôm tát cá có Đoàn TN vô giúp nữa chứ., còn Ngọc Ánh thì cùng đám bạn mình đi xin xăm ở Đình Nguyễn Trung Trực và xà vào đám cưới của 1 thằng em bạn luôn...toàn là những kỷ niệm đẹp.
Qua lần "show up" đó, Làng mình coi được hơn, có nhiều người dòm ngó, hỏi thăm sức khỏe hơn.


Trên Bộ LĐ bắt đầu giới thiệu cho các tổ chức xin con nuôi của Mỹ về , Holt & IMH.
Holt mở các lớp tập huấn cho mấy cô nuôi trẻ và cán bộ, họ đài thọ toàn bộ chi phí cho chuyến đi, khi thì Hà nội, Đà nẵng lúc thì Biên hòa khá nhiệt tâm và rất bổ ích.



Hai tổ chức này hứa sẽ tài trợ cho Làng với điều kiện phải cho họ nhận con nuôi.
Được khoản giúp đỡ kha khá, mình gom góp làm nhà riêng biệt cho các gia đình, trước đó là ở chung 1 dãy mấy phòng học cũ sơn phết lại, đi chung nhà vệ sinh ao cá.
Cuộc sống của mọi người đỡ chật vật hơn.
Trẻ con có quần áo mới ngày Tết, mẹ đi chợ bớt đắn đo suy tính , bữa ăn trong nhà phong phú hơn.
Nhưng cũng từ đó Làng trẻ bắt đầu có sóng gió không được yên bình như trước nữa.

      Để tiện liên lạc IMH tặng cho Làng 1 máy fax, không đặt tại làng được vì hệ thống Bưu điện xã thô sơ quá, anh HB kêu mình đem về nhà của Cậu. Lúc nhờ BĐ đến lắp đặt và hướng dẫn sử dụng, họ ngạc nhiên lắm, bắt ký giấy tờ tùm lum, vì thời đó chỉ có Tỉnh ủy và 1 số ban ngành cần thiết lắm mới sử dụng máy fax, và bị kiểm duyệt rất gắt gao.
     Tin xấu truyền nhanh, thế là Sở Lao động hỏi thăm, Sở còn chưa có máy fax, làm sao con nhỏ ấy 1 mình sở hữu còn liên lạc trực tiếp với Mỹ nữa chứ, quá lắm...e hèm ba con nhỏ đó ngày xưa là ngụy quân ngụy quyền, phải cảnh giác, hổng chừng nó là tay trong???Fax qua lại không quá nửa tháng, Sở LĐ cho người đến nhà tịch thu.
      Mới hay con người ta cái lưỡi không xương, mới hôm Tết cả nhóm kéo đến nhà Cậu để chúc tết vì Cậu là tiền bối của họ mà...mỗi người 1 câu khen mình có đường đi trốn...vậy mà...???
     Chưa hết họ bắt đầu kiểm tra sổ sách, bắt buộc tụi Mỹ có tài trợ gì phải thông qua họ rồi họ sẽ rót xuống cho tụi mình.
     Qua 1 thời gian xin con, IMH ngỏ ý muốn mời 3 thành viên có liên quan qua Mỹ thăm tụi nhỏ , họ giao cho Làng lựa chọn. Anh HB và mình muốn chọn mẹ nuôi vì họ là người có công lao nhứt, mẹ thăm con là chuyện thiên kinh địa nghĩa, nhưng cả 3 bà mẹ đều có con ở Mỹ, biết phải chọn ai??? Hỏi ý kiến Chandra - đại diện IMH- hắn nói nên chọn Ms. Th, hắn lý luận mình vừa là người nuôi dạy, vừa là người làm hồ sơ mà cũng chính là người có thể quan hệ trực tiếp với các Trung Tâm nuôi dạy trẻ khác, mình đi để tận mắt xem họ chăm sóc trẻ được cho con nuôi thế nào về phổ biến lại cho mọi người an tâm- có lý. 
        Đến ngày gửi danh sách cho IMH thông qua Sở Lao động thì...họ nổi trận lôi đình ...con nhỏ ấy là cái thớ gì mà được chọn đi??? cả Tỉnh ủy còn chưa có ai biết hơi Mỹ ra làm sao nữa đây nè...rồi lại bươi móc ra cả họ nhà mình ...(chỉ nghe kể lại), đúng là cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Họ khôn lắm mời anh HB và Chandra bàn bạc xin thêm 1 người nữa cho đủ bộ sậu của họ : trước tiên là ông Phó Chủ tịch Tỉnh người ký quyết định cho con nuôi, kế đến là ông Giám đốc sở tư pháp, bà giám đốc Sở lao động ( buồn cười là 2 ông bà này lại là vợ chồng với nhau???), xin thêm 1 là ông cựu giám đốc Sở lao động , chẳng qua ông này là người ký giấy thành lập Làng trẻ , được vài tháng thì ổng nghỉ hưu, bà mới thay thấy hớt tay trên của ổng hơi kỳ nên có hảo tâm ấy mà., quay sang anh HB họ vả lả...Làng trẻ còn nhiều cơ hội hay để lần sau...??! Chandra thì ở vào thế chẳng đặng đừng, còn anh HB ức lắm nhưng thấy họ thô bỉ quá...ảnh phủi đích đếch thèm.
        Nghĩ lại lúc ra quyết định cho mình làm PGĐ sao chẳng có ma nào phản đối...cái chổ khỉ ho cò gáy lúc trước không ma nào bén mảng đến ấy mà...mình rất muốn quên đi, rất muốn hòa nhập với cuộc sống, muốn vươn lên nhưng họ không cho mình cơ hội...bao lần bị vùi dập...chỉ còn chốn nương thân tưởng như bình yên ấy nhưng cuối cùng cũng bị moi ra.
       Tội cho mấy đứa nhỏ, tổ ấm của chúng đã bị dòm ngó, người thân của chúng đang bị dồn đến đường cùng...biết sau này tương lai chúng ra sao...đến đâu thì đến ...mình cố gắng làm hết sức mình để bù đắp cho bọn trẻ.
      Chia làm 2 tốp, tốp trẻ lớn và mấy bà mẹ cùng với phân nửa dì cậu làm 1 chuyến tham quan - điểm đến là Trung Tâm Biên hòa,  Làng SOS Gò vấp và Đầm Sen, chuyến đi 3 ngày tràn ngập tiếng cười thỏa lòng mơ ước của các em.




        Mẹ và trẻ lớn đi chơi xong về giữ trẻ nhỏ cho mấy dì đi chơi cũng 3 ngày nữa, giao xe và bác tài cho mấy dì tha hồ đi chơi đã rồi về, thế là vẹn toàn đôi bên.
        Được thêm vài tháng anh HB từ giả xin chuyển về TP làm, bà Giám đốc Sở lao động kiêm luôn Giám đốc Làng trẻ - liền đó bà gửi luôn cho mình quyết định rút về Sở chờ nhận công tác mới??? Từ chối không nhận ,  bàn giao...âm thầm lặng lẽ ra đi không muốn làm xáo động sợ bọn trẻ hoang mang.
       Chỉ trong vòng 1 tuần cả 3 bà mẹ và nhỏ thủ quỷ cùng chị nấu bếp xin nghỉ luôn. Thế là Làng trẻ có 1 cuộc cách mệnh không đổ máu. Vẫn tưởng trường kỳ kháng chiến, ngờ đâu chưa đến 2 năm.
       Ra đi mình chỉ tiếc có 1 việc là đã không ôm hết mấy album hình đi, còn mấy đứa nhỏ thì mình hổng lo có nhà nước lo, ổ đã được lót sẵn rồi mà còn lo không nổi nữa thì chết còn sướng hơn.

*** Tin giờ chót: Sang bên này được vài năm nhận 1 tin làm mình vô cùng bàng hoàng và đau đớn.
       Chị Đ giờ như khùng khùng, điên điên đi lang thang ngoài chợ - Ủa , sao vậy?- Chị không hay gì hết sao? Chuyện gì? D nghe chị Y kể , trong Làng trẻ ...mấy đứa nhỏ ra ngoài ao chơi bị té chết 1 lượt 5 đứa...Trời!!!Khủng khiếp quá...sao lại có chuyện hi hữu như thế xảy ra cơ chứ.. tai nạn thảm khốc như vậy chị Đ bình thường mới lạ.
      Chị Đ là lớp đàn chị của mình, 1 người con gái là chị cả trong nhà mẹ mất sớm, cha cưới vợ khác, một tay chị nuôi nấng 3 người em nên người, chị không chồng, không con..về làm phó giám đốc Làng trẻ thay mình. Thương cho chị và 5 đứa trẻ phận bạc.

Friday, February 26, 2010

Cowboys Texas

Trường Be & Bo, hôm nay tổ chức Western Day, sinh hoạt chính cho khối lớp Mẫu giáo - Kindergarten Rodeo round up nhằm giúp cho bọn nhỏ hiểu khái niệm về ngày truyền thống này của dân cowboys Texas ấy mà, vừa chơi vừa học vui lắm.
Có nhiều stations như: Chuck wagon/Miss Moo, Rodeo photos, face painting, rodeo art, Blacksmith, Horse shoes, bull branding and barrel racing.
Còn các lớp lớn thì dancing.
Mình ở nhóm Chuck wagon/ Miss Moo nên chỉ có được hình của nhóm này thôi.


Còn đây là 2 Cowboys con chuẩn bị cho Western day.



Rodeo Songs & Dance



Thursday, February 25, 2010

Những đứa trẻ ngày xưa...(1)

Cách đây 2 năm, mình và anh HB muốn lập 1 trang web về chúng nó, đã liên lạc được với 1 thằng bé có bạn gái học về thiết kế web, nhưng nói tới nói lui vẫn chưa thực hiện được. Lần đó, anh HB muốn tổ chức họp mặt vào năm 2010, tức là năm nay, nhưng hè 2008 mình về rồi sợ rằng năm này về không được nên đã bàn lui.
Những đứa trẻ ngày xưa ấy giờ đây mỗi đứa lưu lạc mỗi phương trời cũng như những bà mẹ, cậu ,dì của chúng, ước vọng của mình và anh HB luôn ấp ủ và cố gắng để thành hiện thực, ráng chờ cho mình và anh HB 1 thời gian nữa nha!
Đang làm kế toán cho CTy Thái Lan sản xuất nước khóm, thời đó làm cho cty nước ngoài, lãnh tiền đô ai cũng ước ao...vậy mà vì 1 cú điện thoại, không cần suy nghĩ lâu la, tôi đã bỏ ngang, khăn gói cùng anh ấy đi lập "tổ ấm" cho mình.
 Cái tổ ấm ấy hình thành từ 1 ngôi trường Bổ túc công nông bỏ hoang, không còn cửa ngỏ, cỏ mọc um tùm, dân chúng quanh đó dùng để làm nơi tránh mưa cho trâu bò của họ.
 Hôm nhận bàn giao từ Sở LĐTBXH tỉnh, 3 người , mình, anh GĐ và anh PGĐ kiêm cán bộ xã hội , nhìn quang cảnh ngôi trường mà dở khóc dở cười...nhưng mà thây kệ (nhớ lại lúc ấy thấy lòng nhiệt tâm của tụi mình sao mà chất ngất đến thế), không chán nản và bỏ cuộc. Rủ thêm 1 nhỏ làm thủ quỹ, tìm được 2 chị làm mẹ nuôi và 1 anh tài xế xe ôm, 1 anh làm vườn cho vợ chồng con cái về cất nhà ở luôn, thế là có đủ nhân lực quậy rồi.
Bắt tay dọn dẹp, được 1 phòng tạm làm văn phòng chung, 1 nhà bếp đói thì xúm nhau nấu ăn và 1 căn phòng tương đối rộng 1 chút chuẩn bị đón con về, còn 1 cái WC bắt trên 1 cái ao cạn, nơi mà có thể vừa đi vừa gửi gió cho mây ngàn bay nữa chứ....
Một tuần sau, các huyện đã nhận được thư...và thêm 1 tuần nữa chúng tôi đã có phúc đáp. Thế là anh xe ôm cùng 1 bà mẹ cứ thế lai rai đi nhận con về, thỉnh thoảng có huyện còn cử cán bộ chở trẻ đến giao tận nơi.
Chúng tôi muốn xây dựng mô hình mái ấm gia đình có mẹ, có con, có cậu, có dì...cố gắng tạo cho bọn trẻ có được cảm giác thân quen, gần gủi, tập cho chúng yêu mến lẫn nhau như  anh, chị, em trong nhà.
Kinh phí ít ỏi nhận từ Sở L Đ, tôi nhớ không lầm là 80 ngàn/tháng cho mỗi đứa trẻ bao gồm tất cả từ ăn, ở, sinh hoạt...vì thế tụi tui có mắm ăn mắm, có muối ăn muối, mỗi nhà tự trồng trọt và chăn nuôi thêm.



Cảm động nhứt là nhóm sinh viên Đại học Đà Lạt gần 30 em do thầy Tâm bạn anh HB dẫn xuống tình nguyện lao động giúp dọn dẹp , đập phá mấy bức tường nham nhở cũ và làm cỏ, đào vét ao. Mấy em , toàn những cậu ấm, cô chiêu vậy mà không quản đường xá xa xôi, khăn gói về ngủ bờ, ngủ bụi, ăn rau muống chấm nước mắm với trứng kho...vậy đó mà ở cho mày tới gần 1 tháng, có lẻ khoảng thời gian đó là 1 trong những khoảng in dấu sâu đậm khó mà phai mờ trong ký ức các em ấy nhứt.



       Ban ngày mấy em lao động , buổi tối gom cây và cỏ khô lại đốt lên 1 đống lữa thật lớn , huy động cả Làng già trẻ, lớn, bé cùng nhau ca múa tưng bừng...nhớ nhứt là vét ao bắt cá...đó không phải là cái ao bình thường mà là cái có nhiều thứ trôi lĩnh bỉnh...không "care", cả đám kéo lưới ì ạch, gọi nhau chí chóe, đem thùng lẹ đến bỏ cá vô, đó là lần duy nhứt cả bọn được ăn uống linh đình.
       Người ta thường nói : Đói đầu gối phải bò, huống chi cả nhóm lãnh đạn đều độc thân (chỉ trừ anh PGD), trẻ trung, lòng đầy nhiệt huyết như thế làm sao có thể ngồi yên được cơ chứ, thế là chiến dịch quyên góp kêu gọi lòng hảo tâm của các cơ quan, ban ngành và các mạnh thường quân được tiến hành vô cùng khẩn trương.
      Tổ chức ra mắt Làng trẻ, tụi mình gửi thư mời tá lả, từ trên xuống dưới không thiếu một ai...quan trọng nhứt là cánh báo chí và đài truyền hình, truyền thanh đều là bạn bè chí cốt , nên qua buổi ra mắt ấy...sổ vàng từ thiện của tụi mình bắt đầu sang trang. Ai cho gì cũng nhận, mình đến mấy nhà máy xay lúa để xin gạo, đến mấy tàu đánh cá, đến hãng nước mắm, đến các trại vịt...các cơ sở may mặc xin quần áo bị lỗi...nói chung không từ 1 thứ gì .
      Quân số mỗi ngày một đông, giờ thì nhà thờ, chùa, bịnh viện cũng liên lạc với mình luôn, vì chính những nơi đó là chổ có nhiều thông tin và cũng chính là địa điểm bỏ rơi trẻ nhiều nhứt.
Lúc đầu mình chưa dám nhận trẻ sơ sinh, vì cơ sở vật chất còn nghèo nàn quá, sợ không chăm sóc được chu đáo.
       Lần đó BV gọi vào báo là có 1 cặp trẻ sinh đôi, mẹ bỏ trốn, giờ họ không biết tính sao, nghe vậy mình không do dự cùng 2 bà mẹ, chạy lẹ ra BV gặp nhỏ bạn BS nhi, bị túm ngay vào phòng chăm sóc trẻ sơ sinh.
      Trong 2 cái lồng là 2 đứa bé nhỏ xíu, đen thui đang ngọ nguậy, mắt bé mở lớn hai mí vành vạnh nhìn biết ngay là con miên, tội nhứt là bé nào trên đầu cũng bị ghim kim truyền nước biển. Nhỏ bạn nói, BV mới phát hiện mẹ của 2 bé trốn mất tiêu, mấy bé yếu lắm, có thể không sống được, hỏi mình có nhận giúp dùm được không? Quay qua hỏi 2 chị đi cùng, nhìn mình rồi nhìn 2 bé, cả 2 gật đầu 1 lượt. Thế là mình đi làm thủ tục, 1 chị ở lại và chị kia về để lo cho cả 2 nhà.
     Bích Thủy và Bích Thảo, chính là cặp sinh đôi sơ sinh đầu tiên mình nhận về Làng, mở hàng cho hàng loạt những trẻ sơ sinh em út khác.


                              Bé Bình An, 4 tháng 20 ngày

     Nhớ hoài lần ấy, Làng mình đón chào cặp vợ chồng người Pháp đầu tiên viếng thăm có anh phiên dịch đi cùng, ông bà  mang rất nhiều quà cho bọn trẻ, chơi đùa , trò chuyện với chúng rất thân mật, lúc về họ nói ngày mai sẽ trở lại.
      Hôm sau, họ đến thật sớm cũng để chơi với bọn trẻ...chiều về ông bà lên văn phòng nói chuyện với tụi mình, có 1 bé con, họ thấy mến quá ngỏ ý muốn xin, mình đi theo xem bé nào mà diễm phúc quá vậy- thì ra là Ngọt- bé gái 5 tuổi mặt nổi nhọt tùm lum, nhưng ánh mắt như là biết nói...hơi ngạc nhiên!?...vì sự chọn lựa này...vì còn 1 vài bé xinh xắn hơn...anh phiên dịch nói họ tự nhiên có cảm tình đặc biệt với con bé.
      Tụi mình thảo luận với nhau, vì là lần đầu tiên tiếp xúc với người nước ngoài đến thăm, họ xa lạ quá làm sao mình có thể cho con được cơ chứ. Nhưng thấy họ rất thật lòng muốn nhận bé, thấy họ không lựa bé đẹp, thấy họ bò ra chơi với mấy đứa trẻ và nhìn vẻ mặt khẩn cầu của họ bọn mình quyết định xem xét hồ sơ.,và mình là người trực tiếp đảm nhận trách nhiệm này.
     Bé Ngọt có tất cả 4 anh chị em sống trong ngôi làng này, mẹ em mất khi sanh thằng em trai út, còn ba em thì bịnh tâm thần sau thời gian đi bộ đội, mấy em sống với ông bà nội già trên 70, nghèo quá nên đến năn nỉ Làng nhận các bé. Do 4 đứa cùng ở chung mà giờ cho đi 1 đứa bọn mình không biết tính sao, biết sự do dự của bọn mình nên ông bà hứa sẽ về Pháp tìm bạn bè qua xin hết những bé còn lại cho có chị có em, nghe vậy bọn mình yên tâm hơn.



Bốn anh em : Việt, Ngọt, Ngon, Huy.

      Chia tay đứa bé đầu tiên cho làm con nuôi, cả làng ai cũng sụt sùi nhứt là mẹ bé, chị suốt đêm không ngủ được , mình xuống thăm thấy chị đang ngồi sắp túi quần áo và vài món đồ chơi cho bé mà rướm nước mắt, an ủi chị mình nói: thấy ông bà này coi bộ nhân hậu, hy vọng đời bé được sung sướng hơn.
      Anh Gđ và mình theo lên Sài gòn tiển bé, mẹ nuôi xin mình ở lại khách sạn ngủ với bé để bé bớt sợ và bở ngỡ, mình đồng ý ngay.
     Ba mẹ nuôi dẫn bé đi chợ sắm vài bộ quần áo , đôi dép và cái nón...đôi dép cũ của bé được bà chà rửa sạch sẽ xếp ngay ngắn ở dưới giường của bé vì bà thấy bé còn thích.
     Được 2 ngày mình cũng phải về làng, công chuyện đầy ắp, trên đường về...em lo và thương cho bé Ngọt quá anh HB ơi...có phải mình đã có quyết định đúng đắn...mong là như vậy, nhớ lại dáng bà lom khom chà dép cho bé , lòng mình nhẹ đi.

(Chuyện dài nhiều tập, rảnh sẽ viết thêm)

Tuesday, February 23, 2010

Lại nói chuyện ăn

Coi bộ bắt đầu nóng máy rồi nha, mấy hôm nay bà chị và đứa cháu bên VN cứ nhắn tin chọc quê : "Hôm nay ăn gì vậy, Mười ?", tranh thủ AB ở nhà nấu nướng cho đã, có người thu dọn chiến trường mà, đây nè mấy món bữa nay:


Có ai nhìn ra món nào giống của mình bị chôm chỉa hông vậy kìa, nè nhe :
Khổ qua hầm - Cô Hai
Gà cuộn - Tanya ( món này làm được khoái ghê)
Dĩa này để nhiều ngò quá không biết món gì luôn, à đúng rồi - Ớt chuông dồn thịt, Chôm ơi chị lở cắt dọc trái ớt, nhưng vì trái lớn nên dồn thịt cũng được, sốt cà và nấm, ăn cũng có lý lắm.
Còn chả giò cho Be, thằng nhỏ đạo chả giò.

Monday, February 22, 2010

Ghép lại Vành Trăng.

      Nguyện  ước cho Bo
        thằng Rớt của Mẹ  

" Chị vừa viết 1 bài về thằng bé con chị mắc hội chứng Down trên blog của chị thì vào đây đọc được bài này của em...khá trùng lập...thế là những giọt nước mắt cứ đua nhau tuôn trào...cho chị mượn vành trăng khuyết này của em để ghép vào vành trăng khuyết nhà chị cho được trọn vẹn nha Tư,chắc em khó lòng mà từ chối phải không???Mến!"


Không cần nhìn em thêm lần nữa thì cũng nhận ra em bị thiểu năng trí tuệ. Người mang dị tật này thường có dáng dấp, gương mặt với mắt này mũi này… giống hệt nhau. Tròn lẳn, bầu bĩnh, phúng phính nhưng làm người ta nhói đau khi va ánh mắt vào. Em nuôi bệnh ở giường bốn mươi tám, tôi ra vào với má ở giường năm mươi hai. Những buổi sáng khi mười mấy con người ở phòng này nhao nháo rối bời với việc tắm giặt, chải chuốt, ăn uống, thì em bò ra chùi rửa, quét dọn khoảng hành lang, mấy cái phòng vệ sinh nhớp nháp. Chúng tôi không nhúng tay vào vì biết đó là phần việc của mấy chị lao công bệnh viện, chút nữa họ sẽ làm, họ nhận lương để làm những chuyện này.
Nhưng cô bé, với trí khôn khiếm khuyết của mình, não em thiếu mất vùng mang tên đùn đẩy, chờ đợi. Em làm vì thấy nơi này bẩn thỉu quá. Người khôn không vậy, họ thà chịu khó nín thở, bịt mũi, nhón dép lên những cái vũng chèm nhẹp… để chờ đợi. Ngay cả dì em, người đang sưng húp vì mang quả thận hư khá nặng, chị cũng cằn nhằn con nhỏ đi làm chuyện tào lao, ai kêu ?
Phải em làm vì ai đó sai bảo thì em đã không đẹp đến vậy, không làm tôi mắc cỡ, tần ngần những khi nhìn em quét lau loẹt xoẹt, thấy mình giảm chiều cao chắc còn cỡ một thước hai, nhưng tôi là con người toàn vẹn, hiểu biết, đọc nhiều sách, nên tôi vẫn ngồi trơ trơ vảnh móng tay. Bù lại, tôi hay rủ em ra ngoài dúi cho khi hộp sữa tươi, khi cái bánh bông lan... Mừng rỡ nhận quà nhưng em dáo dác ngó vào trong, “dì chửi chết…”. Người phụ nữ đó không biết vì bệnh tật làm cho bứt rứt đau đớn hay do nỗi bực dọc gì mà rầy la em suốt ngày. Nhưng suốt ngày em chỉ toe miệng ra cười, lăng xăng đấm bóp, đi mua cơm, giặt giũ quần áo… Có lần tôi nói giỡn, “em với dì giống hệt nhau, y như hai mẹ con vậy…”. Em hạ giọng thầm thì, vẻ như sắp trao cho tôi một bí mật lớn lao, “mẹ em đó, em giả bộ kêu dì Chín để mẹ khỏi mắc cỡ, tại đẻ ra em khùng khùng…”. Xế trưa, tôi bỗng nhìn thấy một mảnh trăng đầu mùa, khuyết còng, mỏng tang gần như trong suốt treo diệu vợi giữa trời, ngó nao lòng lắm, không thể nói ra lời. Không biết vì đẹp hay vì buồn.
Như món canh tạo hóa nấu lạt, cô bé chỉ thiếu một chút thôi là lành lặn kiếp người. Bất chấp điều đó, em vẫn đẹp theo kiểu của mình. Đẹp vì hao khuyết. Đẹp mà không biết.

Xóm tôi ngày trước cũng có một anh thiểu năng trí tuệ, mọi người gọi Lủ khùng. Đám tang nào anh Lủ cũng tới, phụ lo trà nước và đánh trống. Khuya xa, khi mọi người đã mòn mỏi lủi đi kiếm chỗ chợp mắt, anh Lủ vẫn không bao giờ để thưa tiếng trống. Giữa hai hồi trống, thấy cỗ áo quan nguội lạnh, anh đi sửa lại cây đèn cầy nghiêng, đốt giấy vàng bạc, thắp nhang, rồi khói lại tiếp tục nối vào khói ấm áp… Lủ lủi thủi, mà tận tụy. Buổi khách viếng đông, đám thanh niên kia cà lơ phất phơ, bởi một mình anh Lủ chạy trà nước cũng đủ chu đáo rồi, dù mệt đừ, mồ hôi nhễ nhại, nhìn thương. Người như anh ở chốn nhốn nháo nào cũng bị lạc giữa những người khôn toan tính thiệt hơn.

Lại nhớ Soi, một khán giả hâm mộ đặc biệt của anh nghệ sỹ bạn tôi, bẩm sinh ngây ngô dài dại. Chị mê cải lương, mùa khô nào đoàn hát về chị cũng đi coi, và vô cùng ngưỡng mộ anh bạn tôi. Hết buổi diễn, chị thường len vào đằng sau sân khấu để tặng anh khi thì trái khế, trái bần, khi thì cái bánh dừa, khúc mía… không quên ngọng ngịu khen, hát hay quá à... Lớn tuổi, anh không đi hát nữa, quản lý đoàn một thời gian anh về Sở làm việc như một công chức bình thường. Có chiều từ cơ quan về anh thấy chị Ngơ Ngẩn đứng chờ ở cỗng. Anh hỏi, “Em kiếm tôi à, Soi?”. Chị chìa ra mớ bông rau muống héo queo, chắc là hái ở dọc đường, nói “Cho nè…”. Tay đưa về phía anh mà mặt day chỗ khác, ngượng ngùng đúng kiểu… cải lương. Xong chị ra về, từ trung tâm thành phố, Soi phải đi hơn hai mươi cây số đường sông mới tới nhà mình.
Hơn nữa đời ca diễn, người nghệ sỹ nổi tiếng lần đầu tiên nhận được một bó hoa kỳ lạ. Nghe chuyện, ai cũng buồn cười, nhưng trong lòng nhuốm màu chua xót, mai kia khán giả không còn nhớ anh nữa, tên anh, giọng hát anh bị vùi dập mất tăm giữa những thần tượng mới, thì anh vẫn còn chị Ngẩn Ngơ, lâu lâu lại xuất hiện để tặng hoa cỏ dại hái bên đường xơ xác, tưởng thưởng cho người nghệ sỹ này đã từng sáng chói, vàng son. Chị không được trời cho chức năng quên lãng.
Nhưng cái mối quan hệ bi hài, vừa buồn cười vừa ngọt ngào vừa xót xa đó không phải ai cũng có. Bạn tôi vô tình nhận được vì anh đã bình thản chào đón một khán giả dị tật như một người bạn lâu ngày, như một người bình thường với trái tim, khối óc bình thường, “Em chờ tôi lâu không, Soi ?”. Cho là anh giả bộ, anh diễn, nhưng hình như không nhiều người diễn cho ra cái vai nhân hậu đó...

Nguyễn Ngọc Tư

2 trong 1

Cả năm cày bừa vất vả, nhà Bác Dân Hạ mượn cớ Birthday con và Ăn Tết muộn rủ rê cả đám về xả láng sáng về sớm nè...không khí cái buổi tối ấy thế nào thì giấy trắng mực đen, sao bằng mắt thấy tai nghe phải không các bác, vậy thì đây khỏi phải dài dòng văn tự ...




Friday, February 19, 2010

Thằng Rớt

       Nếu như được sinh vào thập niên 70 ở vùng quê Việt Nam, có lẻ Bo được mang cái tên này " thằng Rớt". Do nôn nóng muốn được ra ngoài sớm để dạo Mall với mẹ và anh Be hay sao mà Bo đã vội vàng chui ra chẳng cần chờ Bác sĩ, y tá gì ráo. Còn có 2 phút nữa thôi vậy mà cu cậu vẫn không chịu khó làm Mẹ, Ba sợ hết hồn, Mẹ thì khóc hu hu...nó ra rồi anh ơi... Ba thì lái xe bất chấp đèn đỏ... đậu trước cổng Emergency room luôn, đập cửa kêu réo...y tá lẫn BS đẩy xe chạy ra bế mẹ, bế con đẩy vào...thằng bé êm ru, không động tịnh gì...nằm trên giường cho BS khám mà lòng lo quá xá, không biết thằng nhỏ ra sao nữa, hỏi thì BS và y tá bên mình không biết vì em bé được đưa qua phòng cấp cứu nhi đồng đặc biệt.
Khoảng 5' sau, y tá và anh Bình với Be vào báo bé khóc được rồi, đang làm vệ sinh và để vào lồng hấp chứ không bồng qua cho mẹ được vì bé yếu lắm, cân được 6 lbs...lạy trời, hú vía, con tôi đã bình an.
       Mới hôm thứ Sáu trước, đi check-up còn tới 3 tuần nữa, cho nên ngày hôm sau weekend mẹ và Be dẫn nhau vô Mall chơi, luôn tiện xem Ba tân trang  tiệm bán đèn cầy đẹp không?...đi chơi cả ngày, lội bộ suốt...có lẻ vì vậy nên sáng sớm thứ Hai mẹ đau bụng quá, chạy hết kịp luôn...( nhà cách BV có 7 phút).
      Bà BS theo dõi suốt thời gian mang thai của mình 15' sau mới có mặt, khi ấy mình đã xong xuôi rồi, bà ta nói mình lẹ quá sao không chờ bả, bà chỉ kiểm tra lại tổng quát 1 lần nữa rồi đưa mình vào phòng nghỉ, còn bà thì đi thăm em bé.
      Bác sĩ baby cho Bo là người Tàu, tên ông là Wong - Dr.Wong, sau khi chào hỏi, ông và bà BS của mình, cùng nhau nói về tình trạng baby cho mình biết, ông và bà đều đoán rằng bé có dấu hiệu của hội chứng Down- syndrome, bé có khuôn mặt tròn, đôi mắt xếch và đặc trưng nữa là có 2 chỉ tay nằm vắt ngang lòng bàn tay...chỉ còn chờ kết quả thử máu là biết chính xác. Tai mình như ù đi nghe chữ được chữ mất...hội chứng Down ??? ngày còn ở VN, có nhỏ bạn thân làm BS chuyên về khoa này , vào chơi với mấy đứa trẻ cả buổi, chúng nó đều có dạng mặt tương tự nhau, nhìn là nhận ra ngay...con trai của mình mắc chứng bệnh này ư ??? nhìn vào  mắt ông, ánh lên vẻ thông cảm, ủi an , mình biết tai mình không nghe nhầm những lời ông đã nói...đi vội đến phòng baby...cửa đóng kín...vì BS đang kiểm tra cho các bé, cô y tá chỉ cho mình lồng kính của Bo, được đặt hơi khuất tầm nhìn từ ngoài cửa kính nhìn vào, tôi cố gắng dán mắt vào thật sát để thấy rõ bé hơn. Đứng chờ 1 lát, tôi được vào thăm,y tá đang cho bé bú, khuôn mặt bé tròn trịa lắm, mắt mở to 2 mí rõ ràng, chứ không như Be lúc mới sinh y như con Hàn quốc hay Đài loan gì á, sinh thiếu 3 tuần, bé hơi nhỏ nhưng không thấy ốm, tuy nhiên bé bú yếu lắm, bé gắng nút sữa , vòng miệng có màu tim tím...rất tội nghiệp...mặt tôi ướt đẫm...những giọt nước mắt đua nhau tuôn tràn...tôi không cách nào kiềm chế được...ôi con tôi !!! đứa con bé bỏng đáng thương của mẹ...
        Tôi về phòng lòng quặn đau, điện thoại báo tin cho chồng về tình trạng thằng con, anh vào thăm, đúng lúc nhân viên BV đến lập hồ sơ để làm khai sinh cho bé...hai vợ chồng đã chon trước tên cho con là Nguyễn Đăng Khoa, nên mình đọc liền tên ấy cho cô ta ghi vào, nhưng AB muốn đổi là Đăng Anh...vì ...mình hiểu ý anh...con bệnh như vậy anh không muốn nó có cái tên nghe kêu quá...nhưng mình thì vẫn muốn giữ ...mình bất chấp ai nói sao cũng được ...mình có quyền kỳ vọng vào nó cơ mà và mình còn tin vào ý trời nữa...vì sao mình không "miss" lần thử máu nào lại "miss" đúng ngay cái lần thử máu cho căn bệnh này ( lần đó đi thi lấy bằng tóc)...đó không phải ý trời chứ còn gì, nhưng nếu lần ấy mình có thử máu phát hiện được thì mình và AB vẫn cương quyết giữ, trời đã ban hòn máu ấy cho vợ chồng mình mà làm sao nỡ ...cơ chứ.
        Hôm sau, có kết quả thử máu và chụp hình tim , não cho bé, phát hiện thêm con có khe hở ở não và 3 lổ thủng ở tim, tôi như người trên trời rơi xuống không phải mặt đất mà là hố sâu không đáy...người tôi khụy xuống, tay run run nhận hồ sơ bệnh án và giấy giới thiệu của BV chuyển cho BV nhi đồng chuyên khoa về tim và não.
       Ba ngày sau, mẹ con được về nhà, nghĩ cũng lạ, không biết người ngoài nhìn bé ra sao, chứ mình thì nhìn hoài ...thấy bé giống như những baby khác, thậm chí còn đẹp trai hơn Be nữa, mình nói với AB hoài, hay tại con mình , mình nhìn không ra???
       Thế là tuần nào vợ chồng con cái cũng bồng bế nhau tới BV, 2 chổ khám khác nhau, mỗi nơi cách nhà gần 2 giờ lái xe, cũng may là lúc ấy Be mới 3 tuổi nên nghĩ học ở trường nhà thờ không sao.
        Được 2 tháng thì não của Bo đã phát triển được hoàn chỉnh, mừng ghê, còn về tim thì 3 tháng khám lại 1 lần, bà BS khám cho Bo dễ thương lắm, bà rất ân cần và dịu dàng tuy vóc dáng của bà không nói lên điều đó, mình và AB nhớ hoài tên của bà ấy, 1 cái tên cùng với tính cách của Bà suốt đời vợ chồng mình không quên - Mrs. Friday!
       Đúng 1 năm, " Congratulation, everything OK, the holes all ready heel by themselves.", bà phán 1 câu, sau khi kiểm tra trên màn hình  hồi lâu, bà đứng lên bắt tay vợ chồng mình, bà ôm hôn mình vỗ nhẹ nhẹ vào vai như khuyến khích, như chia sẽ động viên,  bà bồng lấy Bo, vuốt tóc : "good boy, you are very lucky,  my son", . Rồi bà kéo ghế ra, chỉ cho mình và AB xem ảnh tim Bo trên màn hình, bà so sánh ảnh của tháng thứ 3, tháng thứ 6 và bức ảnh của sáng hôm đó, 1 buổi sáng tuyệt vời, nếu không có buổi sáng ấy thì đến năm Bo lên 5 phải chịu 1 cuộc giải phẩu lớn, ông ngoại đã phù hộ cho Bo, đứa cháu bất hạnh của Ông.
        Nói đến mấy vị bác sĩ thì phải kể đến BS nhi đồng của Be và Bo - Dr. Bottenfield, ông ta cũng dễ thương không kém Mrs. Friday, tụi mình đã theo ông cho cả Be và Bo suốt 7 năm, chính ông đã giới thiệu chương trình giáo dục đặc biệt cho Bo. Từ tháng thứ 10, Bo được 4 cô giáo thay phiên nhau tới nhà để giúp mẹ dạy cho Bo về đủ mọi phương diện, gia đình mình mừng lắm và yên tâm nữa...lần đầu tiên cảm nhận thật sự tính ưu việt của xã hội Mỹ, nghĩ đến mấy đứa trẻ như Bo ở VN mình không khỏi chạnh lòng.
       Các cô rất tận tâm, kiên nhẫn hơn cả người mẹ nữa, gia đình và bạn bè mình ở Vn nghe kể ai cũng nói mình có phước và may mắn lắm. Nhờ có mấy cô mà Bo phát triển rất tốt, tập bò, tập đi ...tập nói mọi thứ đều nhờ phương pháp của các cô dạy cho Bo. Hội này còn tổ chức những buổi họp mặt tất cả những trẻ do hội giúp đỡ để chúng sinh hoạt vui chơi, còn cha mẹ thì có điều kiện trao đổi, học tập lẫn nhau, rất là bổ ích.


        Năm 2008 về VN, có nhỏ bạn cũng có con gái bệnh như Bo, nhỏ ấy ở Rạch giá, không có điều kiện đưa con lên thành phố để chữa bệnh, bạn nói " con mình, tội lắm toàn lết không hà đến 3 tuổi mới biết đi, giờ 9 tuổi rồi mà còn như đứa nhỏ 5 tuổi, hổng biết gì hết", còn hôm ra chợ Bến Thành thấy thằng bé y hệt Bo, tay cầm 1 xấp vé số chạy lại mời mình mua, hỏi bé nói đang ở với ba, ba cũng bán vé số nữa...thấy thương quá, mình liền mua hết cả xấp, một hồi nói Bo đem lại cho bạn đó đi con, thằng nhỏ mừng húm cám ơn lia lịa, cứ lân la đi theo chơi suốt với Be, Bo trong chợ .
        Mình thường nói với anh Bình, ráng làm có được kha khá em về VN, cất 1 cái nhà rộng rãi rồi tụ họp tụi nhỏ có bệnh như Bo lại thành 1 gia đình cho tụi nó ăn học, dạy nghề nghiệp, cho Be, Bo có bạn và có nhận thức tốt hơn.
        Bo và gia đình mình thật may mắn , cám ơn trời đất, cám ơn con người, cám ơn lòng bao dung, nhân ái của những bác sĩ và cô giáo đã giúp gia đình mình, giúp Bo được như hôm nay.

Thursday, February 18, 2010

Ai ăn cơm rượu hôn...

       Nhớ ngày ấy thật lâu , lâu lắm rồi, những ngày bà ngoại đến nhà tôi ở, mỗi bận bà bán cơm rượu vừa tới cách nhà vài căn là giọng bà vang lên ngọt ngào như cơm của bà vậy , thế là tôi lật đật xách chén ra để mua cho ngoại. Ngoại rất thích gần như nghiện món cơm rượu này của chính bà bán hàng ấy mới được, vì ngoại nói cơm của bà ấy vừa ngọt vừa bùi và mùi nếp rất thơm.
      Thấy ngoại tôi thích, chị dâu tôi học làm, nhưng ngoại cũng không vừa miệng.
      Còn tôi thì...cứ mỗi lần mua cho bà 1 chén là bà cho tôi ăn thử 2 viên, 2 viên vừa đủ cho con bé như tôi ngà ngà say...riết rồi tôi cũng đâm nghiền như ngoại tự lúc nào không hay.
      Sang bên này, lần đầu thấy có bán cơm rượu ở chợ VN, tôi mừng quá mua ngay 1 ly, muốn tìm lại cảm giác ngày xưa khi ăn với ngoại, nhưng mà sao không thấy giống...nhớ lại dáng dấp bà bán cơm rượu đầu vấn khăn, đội thau cơm được đặt trong 1 cái rổ tre xung quanh sắp mấy cái chén nhỏ, tay xách 1 cái xô nhỏ để dành mỗi lần ngồi xuống nhà ai là xin nước để rữa chén, chân bà bước thoăn thoắt nhịp nhàng, mỗi khi có ai kêu bà nhẹ nhàng đặt rổ xuống giở chiếc khăn the phủ thau cơm ra, từng hàng cơm rượu trắng ngà đều đặn xếp vòng quanh cái thau xen lẫn từng lớp lá chuối, mùi rượu thơm nồng trông hấp dẫn làm sao...và ngoại giờ đây cũng đã xa tôi mãi mãi...những hình ảnh ấy giờ chỉ còn là những hoài niệm trong tôi.
      Lúc đầu tìm mua men để làm cơm rươu phải nhờ chị tôi bên VN gửi sang, sau này bên đây có bán, mua làm mấy lần, ăn chỉ tạm được, không biết có bạn nào thích cơm rượu và biết làm chỉ cho tôi với, rất mong được chia sẻ từ các bạn.
     Hôm rồi nhìn thấy mâm xôi vò của Chôm Chôm, chợt nghĩ sao mình không làm cơm rượu để ăn với xôi vò thì còn gì bằng, theo cách của Chôm lần này mình nấu xôi thành công ngoài sức tưởng tượng, trộn với dừa bột nên hạt xôi rời rạc trông rất ngon.
     Ai thích thì cứ xà vào tự nhiên nha, nhâm nhi từ từ coi chừng xỉn đó...


Tuesday, February 16, 2010

Học từ Bạn

Trong cuộc sống có rất nhiều thứ để chúng ta học hỏi trao dồi, thế giới chúng ta sống giờ đây thoải mái quá, đủ thứ phương tiện giúp chúng ta ngày càng gần nhau hơn và đây là thành quả của mình học từ các bạn mấy tháng qua.
Học từ Chôm Chôm :
1) Món Mì khô dầu hào, mình trụn mì theo kiểu của Chôm ai ăn cũng khen ngon, mì ăn chung với gan, tim heo, hấp sơ cải và nấm, thịt , tôm luộc và chả cá.
2) Xôi 3 màu, mình gói xôi vô bánh phồng nhưng xấu quá nên để vậy ăn với dưa món vậy, dưa món cũng học từ Chôm luôn.
3) Canh cải ngọt với chả cá và giò sống.
4) Thịt kho Tàu.


Học từ Cô Hai.

1) Cá catfish kho, nghe lời Phú bỏ thêm ớt cho đẹp.
2) Bún Bò hiệu Ông Hai ( cái này học từ Ô Hai à nha), nhà còn chả quế bỏ vô luôn.
3) Thịt ba rọi kho tiêu.
4) Cá sặc kho, mình bỏ thêm vài lát khóm cho đỡ mặn.
5) Bánh khoai mì, làm được bánh này mình thích lắm vì rất hảo món này.
6) Lobster xào XO sauce, món này thì cả nhà ai cũng mê, nhưng hơi bị đau bụng ( nhót ruột chút xíu).







                                                          









*/ Keo mứt dẽo học từ Ba Đậu.
**/ Dưa cải và Kim chi học từ Thảo - Sweet Home
***/ Nước mắm giã tỏi, ớt, chanh học từ Phú.
****/ Cá ngát kho vừa học của Hai vừa của Chôm
Còn sườn bò nướng là của chủ nhà,  hì...hì.

Quên 1 chuyện quan trọng , còn cách Post hình trên là học từ Ba Đậu nữa chứ.

Cám ơn các bạn rất nhiều, nhờ mọi người mà nay bếp nhà mình phong phú và ấm cúng hơn.

Monday, February 15, 2010

Quà cuối năm!

Không sớm, không muộn, không chờ, không mong... "gói tâm ý" đến với tôi với vô vàn bở ngỡ, ngạc nhiên xen lẫn vui mừng vì ai kia đã nhớ đến mình, một người từ phương xa...
Món quà ấy đến đúng ngày 30 Tết - 1 ngày trước thềm Năm mới và cũng là 1ngày trước ngày của Yêu Thương, người chọn đã gói ghém tâm ý của mình vào đó, chỉ là 1 hộp quà nhỏ nhưng nó đã chứa đựng cả 2 , mứt dừa cho ngày Tết và hình trái tim của hộp cho ngày của Yêu thương, tôi thật sự trân trọng , quí mến tấm lòng của bạn dành cho mình...cảm động làm sao.
Sau 2 ngày dò tìm, tôi và AB vẫn không sao biết đươc chủ nhân của món quà ấy...ai thế nhỉ, thật là chơi ác quá....làm người ta suy đoán tùm lum, vì trên hộp tên người nhận lẫn người gửi đều là tên mình cả, thật lạ...AB nói : " Em gửi quà cho Em hả? "..."ứ...ừ làm như người ta thèm quà lắm vậy ?" Nhìn dấu bưu điện là Irvine , CA 92623 , gọi cho nhỏ cháu ở CA nó nói hay là Cậu B nhờ ai đó bí mật gửi quà cho cô,  hi,hi...không một dòng chữ, không một cánh thiệp, không dấu vết gì để mình có thể nhận ra..???


Nhớ có lần Đậu đã nhắc về câu hát này bên PK thì phải " Ngày Tết đến, được thư em là niềm vui bất ngờ", giờ thì mình cũng vậy bất ngờ lắm , vui lắm người ơi, không biết làm sao để bày tỏ lòng mình đối với tấm lòng của bạn, thôi thì mượn blog này gửi đến bạn đóa hoa do mình chính tay chăm sóc thay lời cảm ơn với trọn niềm thương mến sâu xa.

Tặng Bạn phương xa
Bình Yên & Hạnh Phúc

Thursday, February 11, 2010

Tết Canh Dần - Bloggers Slide Show

Mời Các bạn Vui Tết với những chú Tigers này nha.



Chưa xin phép các bạn mà mình đã làm Slide Show này, mong bạn mình thông cảm, mình muốn góp nhặt hình ảnh mọi người lại với nhau để nhớ hoài thôi, sorry again!




Gia Đình Bình Thảo thân chúc các bạn Gia Đình luôn Yên Ấm và Tràn Đầy Sức Sống

Tuesday, February 9, 2010

Tranh của Be

Bức tranh được triển lãm tại :

Be & Tranh của mình


Cô giáo dạy vẽ của Be


Cô nói tranh Be được triển lãm nhờ ý nghĩa của nó, Be có suy nghĩ vượt trên độ tuổi của mình:
Sức mạnh của Năng lượng liên kết loài người lại với nhau (2 bóng đèn tròn ở giữa và mọi người nắm tay vây quanh), mình và anh B rất bất ngờ khi nghe Cô giải thích.



Cả nhà rất vui .



Tết đến, thân chúc tất cả bạn của Gia Đình Bình Thảo yên ấm và tràn đầy sức sống.
MẾN!

Sunday, February 7, 2010

Thấy mà chán!

Đây là lần thứ 2 mình đi hội chợ Tết, lần đầu là sau khi sinh Bo được 1 tháng, lúc đó Stress nặng quá mình muốn đổi không khí nhưng ...không khá mà trái lại mệt hơn, còn lần này thì...7 năm rồi nhưng vẫn "u như kỷ"...chỉ có cái này ấn tượng chút xíu:



Về Sài gòn rất muốn đi, nhưng sợ quá...đến 1 ngày nào đó hình bóng thân quen này dần biến mất...biết bao hoài niệm vẫn lưu dấu mãi trong tôi, chồng muốn tự tay làm 1 chiếc y hệt ở quê nhà, để những ngày đẹp trời chở mẹ con lòng vòng hàng xóm, nhưng vẫn chưa thực hiện được...nhứt định nhắc chồng "make it" vào mùa hè này mới được.

Wednesday, February 3, 2010

Field Trip

Trước cả tuần mình nói : Be ơi, hỏi teacher cho mẹ đi field trip với con được không? thì ngày hôm sau nhận được thư mời "volunteer" cho cái vụ đó, mừng rơn. Mấy hỗm rày trời lạnh cóng, lười biếng đi đâu, nhưng đi với lớp của Be thì nhứt định không bỏ qua vì mình biết sẽ rất vui, hay và thú vị nữa.
Tối đó, mình tìm bản đồ chỉ đường đến Nature Trail,  xem có xa nhà lắm không để còn chuẩn bị đi cho đúng giờ.
Sau khi Be, Bo lên Bus đến trường, làm vội mấy thứ cho bữa trưa của 2 mẹ con mang đi, đến nơi, đậu xe  , hỏi 1 cô giáo của trường phía ngoài Trail đường vào bên trong, phải đi bộ 1 đoạn khá xa. Tới nơi, mới có 2 cô cũng vừa mới tới. Thêm 1 vài người nữa tay bắt mặt mừng, rồi bắt tay vào sắp đặt mọi thứ, người đẩy xe, tay xách, nách mang dụng cụ đến nơi tập kết.
Đây là buổi học ngoài trời, để mở mang kiến thức các em bằng cách cho các em tiếp xúc với thiên nhiên và môi trường xung quanh.
Đúng 9:00, xe Bus tới, mặt mày rạng rở, nôn nao mang ba lô thành hàng dài mấy em ngồi nghe cô hướng dẫn.




Mình thuộc nhóm này, cô giáo nói về lực ma sát và cho các em thực hành trên 3 loại bề mặt khác nhau rồi viết lại kết quả.







Be giúp bạn sửa lại xe.





Học về lực kéo của ròng rọc









Cách định hướng của la bàn


Nhóm của Be.

Be đang tìm đường về đích

Bạn này hỏi cô giáo về trái thông

Đòn bẩy


Dùng lực đòn bẩy để nâng vật nặng



6 giờ vừa học, vừa chơi ngoài trời , vui thì có vui lắm nhưng lạnh và đói quá teachers ơi, và rồi...  giờ ăn đến , hoan hô.

Đói quá hả con?



No rồi, tụi mình tha hồ chơi.
Hình như con cá kìa...



Trò chuyện



Thế là xong 1 ngày Field Trip thật là bổ ích


Bye, bye Mẹ...bye con.


"Chị Thảo, thứ 7 này đi hội chợ không? hư...hư.. Quỳ hả., chị cũng chưa biết nữa, chị sao vậy? bịnh hả...tự dưng thấy ớn lạnh , đang trùm mền nè, Bo thấy mẹ nằm nói mẹ bịnh, lật đật lên lầu lấy dụng cụ BS xuống đang khám bịnh  cho mẹ đó...chị phải uống thiệt nhiều nước cốt chanh vô cho có chất đề kháng,  mới ra ngoài trời lạnh có mấy tiếng đồng hồ mà về  đổ bệnh, thì ra mình bắt đầu già yếu rồi  sao???

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...